Thu hồi xe máy cũ nát: Cần thiết nhưng phải cân nhắc kỹ

Quyết định 16/2015/QĐ-TTg quy định, từ ngày 1/1/2018, xe mô tô, xe gắn máy cũ nát, hết niên hạn sử dụng sẽ phải thu hồi, thải bỏ. Tuy nhiên, từ trước đến nay xe gắn máy chưa được quy định niên hạn sử dụng nên rất khó có cơ sở để thu hồi loại phương tiện này.

Thu hồi xe máy cũ nát: Cần thiết nhưng phải cân nhắc kỹ
Thu hoi xe may cu nat: Can thiet nhung phai can nhac ky - Anh 1

Những chiếc xe máy cũ nát vẫn là phương tiện mưu sinh của nhiều người dân. Ảnh: Laodong.com.vn

Xe máy 30 năm vẫn… chạy tốt

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, theo thống kê hiện nay, cả nước có khoảng 40 triệu xe máy. Trong số này có những xe đưa vào hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước nhưng hiện vẫn đang lưu thông. Những xe này nếu không được bảo dưỡng tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông, chất lượng khí xả thải ra môi trường.

“Hiện Luật Giao thông đường bộ mới có quy định niên hạn sử dụng với 2 đối tượng là xe vận tải hàng hóa và xe khách. Xe khách có thời hạn không quá 20 năm, xe tải không quá 25 năm. Xe ô tô con, xe du lịch, xe máy chưa có quy định niên hạn sử dụng”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, dù Chính phủ đã có quy định, từ 1/1/2018 thu hồi toàn bộ xe máy cũ nát hết niên hạn sử dụng, nhưng lại chưa có văn bản nào quy định về niên hạn đối với phương tiện này.

“Xe máy được đăng ký quyền sở hữu, tức là tài sản của công dân. Thu hồi hay phá hủy phải căn cứ vào luật pháp quy định. Thực tế, người dân mua xe, đăng ký quyền sở hữu sau đó đưa ra lý do bảo vệ môi trường nên tịch thu là không phù hợp, người dân chắc chắn không đồng tình”, ông Bùi Danh Liên cho hay.

Mặt khác, theo PGS.TS Chu Công Minh, Đại học Quốc gia TPHCM, trong số toàn bộ các vụ tai nạn được ghi nhận bởi khảo sát tình hình sở hữu và sử dụng xe máy tại TPHCM thực hiện trong 6 tháng (từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2016) cho thấy, số phương tiện có khoảng thời gian sử dụng từ 10-15 năm chiếm tỷ lệ 44,5%.

“Dường như có mối liên hệ giữa số vụ tai nạn và tuổi đời phương tiện. Theo khảo sát này, số xe máy đã có niên hạn sử dụng từ 6-10 năm thường gặp trục trặc và xảy ra tai nạn nhiều hơn xe mới sử dụng từ 1-5 năm”, ông Chu Công Minh nói.

Ông Chu Công Minh cũng cho rằng, cần thiết phải ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện xe máy để có căn cứ ban hành quy định về niên hạn sử dụng.

Tính chuyện quy định niên hạn xe máy

Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đề xuất, cần phải quy định niên hạn với xe máy để kiểm soát vấn đề an toàn giao thông. Mặc dù mới là kiến nghị từ phía VAMM nhưng đã khiến dư luận sôi sục bởi xe gắn máy đang là phương tiện mưu sinh của hàng chục triệu người dân.

Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, qua nghiên cứu trên, có thể nói xe máy cũ độ an toàn thấp hơn, tác động môi trường lớn và cần tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này.

Đồng thời, trước khi ban hành quy định về niên hạn sử dụng với xe gắn máy, phải có nghiên cứu khoa học, tham khảo lấy ý kiến rộng rãi của người dân, nhất là những người đang sử dụng xe máy làm phương tiện lưu thông và mưu sinh chính.

Đồng tình với lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia, ông Nguyễn Hữu Trí cũng cho rằng, việc đưa ra quy định niên hạn với xe máy cần phải cân nhắc thật kỹ.

Bởi, hiện cả nước có tới hơn 40 triệu xe máy và đây là phương tiện lưu thông của đa số người dân. Trong đó, phần lớn số xe máy lâu năm do những người dân có mức thu nhập trung bình và thấp sử dụng để mưu sinh nên đặc biệt phải cân nhắc và lấy ý kiến rộng rãi. Hơn nữa, tại các đô thị lớn, vận tải công cộng vẫn chưa phát triển, hiện vẫn chỉ có xe buýt nên chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, nếu quy định niên hạn cho xe máy thì nên áp dụng theo lộ trình. Cụ thể, các đô thị loại 1, loại 2 nên có lộ trình quy định để bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông hay đi lại của người dân.

Theo Chính Phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ