Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này chính là việc từ trước đến nay vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể nào về thời hạn đối với loại phương tiện này.
Bởi vậy, theo các chuyên gia, đây là ý tưởng tốt nhưng khó thực hiện bởi hàng loạt các vướng mắc về đời sống dân sinh cho đến những “lỗ hổng” trong quản lý khiến ý tưởng trở nên bất khả thi.
Cần một quy định thích hợp
Về đề xuất quy định niên hạn để thu hồi xe máy cũ nát, kiểm soát khí thải xe máy của Hà Nội, theo ông Nguyễn Hữu Trí - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), đây là đề xuất tốt để bảo vệ môi trường và an toàn giao thông.
Đề xuất này có thể thực hiện được khi sửa Luật Giao thông đường bộ. Theo ông Trí, trong quá trình bàn thảo về sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, đã có những ý kiến đề xuất cần phân cấp cho địa phương quy định điều kiện hoạt động của môtô, xe máy tuỳ theo đặc thù của từng địa phương, thay vì quy định chung cho cả nước.
Số lượng xe máy ở Hà Nội nhiều hơn hẳn so với các tỉnh miền núi. Nguy cơ ô nhiễm do xe máy gây ra tại Hà Nội nhiều hơn thì Hà Nội phải chủ động xây dựng quy định về điều kiện hoạt động của xe máy.
Còn tại những tỉnh ít xe máy và xe máy là phương tiện chính của người dân, nhất là người nghèo, trong khi vận tải công cộng chưa đủ khả năng đáp ứng thì có thể xem xét quy định về điều kiện hoạt động của xe máy khác với Hà Nội.
Ông Trí cũng cho rằng, việc quy định niên hạn đối với xe máy cần được cân nhắc thật kỹ và lấy ý kiến rộng rãi. Bởi, xe máy hiện vẫn là phương tiện lưu thông chính của người dân.
Trong đó, đa số xe máy đã sử dụng lâu năm thuộc về người dân có mức thu nhập trung bình và thấp, sử dụng để mưu sinh. Hơn nữa, tại các đô thị lớn, vận tải hành khách công cộng vẫn chưa phát triển, hiện vẫn chỉ có xe buýt nên chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Bởi vậy, Cục Đăng kiểm đề nghị, nếu quy định niên hạn cho xe máy, nên áp dụng theo lộ trình để không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Còn nhiều lúng túng
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc thu hồi các xe quá đát là việc làm rất cần thiết nhưng không thể thực hiện trong một sớm một chiều.
Theo ông Trí, hiện nay, Nhà nước mới chỉ có quy định niên hạn với xe tải (lưu hành không quá 25 năm) và xe chở khách (lưu hành không quá 20 năm). Trong khi đó, đối với xe ô tô con và xe máy, hiện vẫn chưa có quy định về niên hạn.
Đồng quan điểm này, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho rằng, mặc dù CSGT vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp điều khiển xe máy cũ nát, nhưng do những vướng mắc về các quy định pháp lý nên chỉ có thể xử lý được các trường hợp dùng xe cũ nát kéo, chở hàng cồng kềnh, không có giấy tờ xe.
Do vậy, để thực hiện được mục tiêu này, các cơ quan chức năng cần phải có những tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là xe cũ nát, thế nào là không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.
Theo các chuyên gia giao thông, các đơn vị có chức năng cần thận trọng trong việc đưa ra quyết định thu hồi xe máy “hết đát”. Bởi dù sao đây vẫn là phương tiện di chuyển chính, là “cần câu cơm” của phần lớn người dân Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, không ít chuyên gia đặt câu hỏi, có những phương tiện dù được đăng ký cách đây vài chục năm, nhưng chủ xe đi ít thì có bị tính là cũ nát hay không?
Xe cũ nhưng đã được sang tên cho người khác, và khi đăng ký lại, thời gian lại khác, vậy các cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao? Do đó, để việc xử lý diễn ra công bằng, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng các trung tâm kiểm định khí thải đối với loại phương tiện này thì việc thu hồi mới khả thi.