Vấn đề là chất lượng phát thải
Theo Bộ TN&MT, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý và định hướng phát triển phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, lãnh đạo bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các đề xuất có liên quan đến giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính thông qua chính sách hỗ trợ phát triển phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo.
Bộ TN&MT đã tổng hợp thực trạng ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính ở Việt Nam; tình hình phát triển phương tiện giao thông sử dụng điện; các chính sách pháp luật kiểm soát ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
TS Hoàng Dương Tùng, Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, ô nhiễm không khí xuất phát từ nhiều nguồn. Nguồn thải từ động cơ xe, nhà máy nhiệt điện chạy than, xi măng lò quay, luyện thép; các nhà máy hóa chất... đang là những nguồn ô nhiễm chính. Đó là chưa kể bụi từ các công trình xây dựng, đốt rơm rạ sau thu hoạch; các lò đốt tại các bệnh viện; đun nấu bằng than; bụi khí thải từ các làng nghề chế biến nguyên liệu tái chế.
Trong vấn đề ô nhiễm không khí còn có vấn đề chất lượng phát thải, chất lượng xăng dầu. Trên thế giới rất nhiều nước đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 6. Tiêu chuẩn khí thải ở Việt Nam thì vẫn lẹt đẹt ở mức quá thấp. Đáng lẽ các loại xe tham gia giao thông đều phải được kiểm tra rất kỹ về chất lượng phát thải thì chúng ta lại bỏ ngỏ. Tiêu chuẩn khí thải của xăng, dầu cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Hà Nội có 7 triệu xe máy và gần 800 nghìn ô tô. Lượng xe máy, ô tô lớn này phát thải rất nhiều. Ô tô có kiểm soát chất lượng sử dụng nhưng xe máy thì chưa. Những xe máy cũ, chất lượng không tốt sẽ phát thải nhiều.
Kiểm kê nguồn thải, loại bỏ phương tiện xả thải lớn
Tiếp cận vấn đề từ góc nhìn giao thông là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn ở Hà Nội, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chúng ta cần quản lý giao thông, quy hoạch lại đô thị và cần kiểm soát phát thải của phương tiện giao thông cơ giới. Cố gắng đưa cộng đồng và thị trường vào mối quan tâm chung về ô nhiễm. Tăng cường sử dụng biện pháp kinh tế thay vì biện pháp hành chính. Các phương tiện giao thông là thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí. Kết quả nghiên cứu mới nhất về bụi nano cho thấy, nguồn phát thải bụi nano từ giao thông chiếm tới 46,3%; từ bụi thứ cấp trong không khí là 31%; từ đun nấu sinh hoạt và bụi đất công nghiệp là 2,6%.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, qua nghiên cứu các mô hình, ông nhận thấy, nguồn giao thông không phải là nguồn đóng góp bụi lớn nhất hoặc nguồn dân sinh và kể cả nguồn nông nghiệp như đốt rơm rạ cũng không phải là nguồn phát thải lớn nhất. Cho tới thời điểm hiện tại, những nghiên cứu về chất lượng không khí tại Việt Nam chủ yếu dừng lại ở các khía cạnh đơn lẻ và chưa có một nghiên cứu toàn diện, cập nhật nào phản ánh đúng bản chất của hiện tượng ô nhiễm không khí tại Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền công bố.
Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, theo TS Hoàng Dương Tùng là phải kiểm kê nguồn thải và đẩy mạnh quan trắc. Để có những chính sách đúng đắn để cải thiện chất lượng không khí cần phải xác định rõ nguồn nào gây ô nhiễm, đóng góp ô nhiễm bao nhiêu phần trăm. Muốn làm được việc này thì phải dựa vào nguồn kiểm kê phát thải, xem từng chất từ ngành nào, bao nhiêu, công việc này cũng không dễ và đòi hỏi nhiều kinh phí.
Cũng theo ông Tùng, cần tăng cường thanh tra, kiểm soát nguồn thải. Công khai, minh bạch thông tin về quan trắc, thanh tra, ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh nhóm giải pháp xanh như năng lượng tái tạo, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát thải cacbon thấp… Cần có quy định kiểm soát khí thải nghiêm ngặt đối với phương tiện, đặc biệt là xe máy, mạnh tay loại bỏ các loại xe quá cũ, không bảo đảm tiêu chuẩn về xả thải… Có như thế mới khắc phục được tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng tại các đô thị lớn hiện nay.