Bỏ thế “thượng phong”

GD&TĐ - Từ ngày 11/10, học sinh trung học sẽ được thụ hưởng nhiều đổi mới tích cực trong kiểm tra, đánh giá; trong đó có việc thực hiện đánh giá bằng nhận xét ở tất cả môn học.

Thông tư 26 giúp các em giảm nhiều áp lực điểm số. Ảnh minh họa
Thông tư 26 giúp các em giảm nhiều áp lực điểm số. Ảnh minh họa

Trước đây, điểm số luôn là “kênh” quan trọng nhất để đánh giá học sinh. Cha mẹ và cả thầy cô đều đặt ra cho con, cho trò mục tiêu đạt điểm cao, điểm giỏi, bất kể đứa trẻ có năng lực gì. Học sinh khi đến trường, do đó phải đối diện với nhiều áp lực chỉ vì kỳ vọng về điểm số của người lớn. Đánh giá chú trọng điểm số cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy học thêm tràn lan, gây bức xúc trong xã hội. Không khỏi xót xa khi đọc chia sẻ này trên một trang mạng xã hội: “Rất đông học sinh ở ngôi trường mà tôi đang học chỉ ngủ 4 - 5 tiếng một đêm. Họ là những học sinh ưu tú, có điểm số tốt, nhưng họ đã phải đánh đổi giấc ngủ, sức khỏe để có được điểm số đó và nhận về mình cả những áp lực có thể coi là quá lớn ở độ tuổi 17, 18”.

Cách đây 6 năm, lần đầu tiên chiếc “gông” điểm số được cởi bỏ ở bậc tiểu học với Thông tư 30 ban hành năm 2014. Đổi mới kiểm tra, đánh giá ở tiểu học qua Thông tư 30, sau này được sửa đổi bởi Thông tư 22, đã nhận được đánh giá tích cực bởi những tư tưởng hết sức nhân văn: Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không so sánh học sinh này với học sinh khác, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh… 

Ở THCS và THPT, điểm số cũng sẽ không còn đứng thế thượng phong trong kiểm tra, đánh giá khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 26/2020/ TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT ban hành kèm Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT. Cũng với mục tiêu tối thượng là vì sự tiến bộ của học sinh, một trong những điểm mới nổi bật của Thông tư 26 là chú trọng đánh giá quá trình, tất cả môn học đều có đánh giá bằng nhận xét, thay vì chỉ đánh giá bằng điểm số ở một số môn học như trước đây. 

Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá. Ảnh minh họa
Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá. Ảnh minh họa

Hình thức kiểm tra, đánh giá cũng đa dạng hơn, không chỉ có kiểm tra viết mà còn qua hỏi – đáp, đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Với kiểm tra viết, không chỉ hình thức truyền thống là kiểm tra trên giấy mà còn có thể thực hiện trên máy tính… Số đầu điểm kiểm tra đánh giá, cả thường xuyên và định kì đều giảm. Đề thi, kiểm tra được thực hiện theo ma trận đề... 

Ưu điểm của đánh giá bằng nhận xét có thể thấy rõ. Theo đó, học sinh được động viên, khích lệ kịp thời. Việc đánh giá đã không còn để xếp thứ hạng, học sinh cũng giảm nhiều áp lực điểm số, từ đó hứng thú hơn trong học tập. Được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau, việc đánh giá sẽ sát thực hơn với năng lực, học sinh được tạo nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Giáo viên cũng được “cởi trói” để từ đó thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới.

Giúp giáo viên không lúng túng với hình thức đánh giá mới, Thông tư 26 quy định cụ thể đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của HS trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục, chứ không chỉ yêu cầu đánh giá bằng nhận xét một cách chung chung. Giáo viên cũng đồng thời được tập huấn, hướng dẫn về đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực của người học, trong đó chú trọng đến nội dung về kỹ thuật đánh giá bằng nhận xét, giúp giáo viên nếu phải dạy nhiều lớp vẫn thực hiện tốt đánh giá bằng nhận xét. 

Từ thực tiễn đổi mới kiểm tra, đánh giá ở tiểu học những năm qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng sẽ có nhiều thay đổi tích cực từ quy định mới về kiểm tra, đánh giá ở trung học, mà người được thụ hưởng trước tiên và nhiều nhất chính là học sinh. Không phải hô khẩu hiệu, “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh” sẽ thực sự ngấm, thấm và kết quả quả cuối cùng là sự tự tin, tiến bộ mỗi ngày của người học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.