Bộ Tài chính hướng dẫn các cơ quan báo chí áp dụng chính sách khắc phục khó khăn do dịch Covid-19

Bộ Tài chính hướng dẫn các cơ quan báo chí áp dụng chính sách khắc phục khó khăn do dịch Covid-19

Ngày 31/3/2020, Hội Nhà báo Việt Nam có Công văn số 73/CV-HNBVN gửi Bộ Tài chính đề nghị về việc Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ người làm báo và cơ quan báo chí trong cả nước kịp thời khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tiếp theo đó, ngày 3/6/2020, Hội Nhà báo Việt Nam nhận được Công văn số 6404/BTC-HCSN ngày 29/5/2020 của Bộ Tài chính về việc đề nghị hỗ trợ cho người làm báo và cơ quan báo chí do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đó hướng dẫn chi tiết việc áp dụng quy định hiện hành đối với hai nội dung chính được Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị trong Công văn số 73/CV-HNBVN nêu trên.

Công văn của Bộ Tài chính nêu rõ:

Ngày 3/4/2020 Bộ Tài chính nhận được công văn số 73/CV-HNBVN ngày 31/3/2020 của Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị hỗ trợ cho người làm báo và cơ quan báo chí do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về đề nghị “Cho phép các cơ quan báo chỉ được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân năm 2020; miễn tiền phạt chậm nộp thuế": Đối với kiến nghị gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân năm 2020, miễn tiền phạt chậm nộp thuế của Hội Nhà báo Việt Nam: Đề nghị thực hiện theo quy định tại Điều 49 Luật quản lý thuế (đã được sửa đổi bổ sung tại Khoản 14 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13, khoản 3 Điều 6 của Luật số 71/2014/QH13); Điều 111 Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn đã quy định gia hạn nộp thuế và miễn tiền chậm nộp đối với trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn do tai nạn bất ngờ, dịch bệnh truyền nhiễm. Cụ thể:

1.1. Về gia hạn nộp thuế:

a) Quy định trường hợp được gia hạn nộp thuế:

- Điều 49 Luật quản lý thuế (đã được sửa đổi bổ sung tại Khoản 14 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13, khoản 3 Điều 6 của Luật số 71/2014/QH13) quy định việc gia hạn nộp thuế như sau:

"1. Việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ".

- Tại Điều 31 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định về gia hạn nộp thuế như sau:

"1. Trường hợp được gia hạn:

Việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế theo một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ".

- Tại khoản 1 Điều 31 Thông tư số 156/2013//TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính (văn bản hợp nhất 15/VBHN-BTC ngày 9/5/2018) quy định trường hợp được gia hạn nộp thuế như sau:

"a) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ".

"Tai nạn bất ngờ là việc không may xảy ra đột ngột ngoài ý muốn của người nộp thuế, do tác nhân bên ngoài gây ra làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, không phải do nguyên nhân từ hành vi vi phạm pháp luật. Những trường hợp được coi là tai nạn bất ngờ bao gồm: tai nạn giao thông; tai nạn lao động; mắc bệnh hiểm nghèo; bị dịch bệnh truyền nhiễm vào thời gian và tại những vùng mà cơ quan có thẩm quyền đã công bố có dịch bệnh truyền nhiễm; các trường hợp bất khả kháng khác".

b) Về hồ sơ, thủ tục đề nghị gia hạn nộp thuế: Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.

c) Về thẩm quyền gia hạn nộp thuế: Theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính.

1.2. Về miễn tiền chậm nộp:

a) Về trường hợp được miễn tiền chậm nộp thuế:

- Khoản 1 Điều 111 Luật Quản lý thuế quy định về miễn xử phạt vi phạm pháp luật về thuế như sau:

"I. Người bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế có quyền đề nghị miễn xử phạt vi phạm pháp luật về thuế trong trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác”.

- Tại khoản 1 Điều 35 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính quy định trường hợp được gia hạn nộp thuế như sau:

"1. Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo quy định tại Điều 34 của Thông tư này có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp trong trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác".

b) Về hồ sơ đề nghị miễn tiền chậm nộp: Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính.

c) Về thẩm quyền miễn tiền chậm nộp: Theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính.

2. Về đề nghị “Cho phép các cơ quan báo chỉ được lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và được sử dụng một phần kinh phí từ Quỹ này để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác bảo vệ, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cơ quan như: mua sắm vật tư, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác phòng chống dịch của cơ quan và phóng viên tác nghiệp tại hiện trường; bổ sung trang thiết bị công nghệ phục vụ các kênh họp chuyên môn trực tuyến hoặc tổ chức các sự kiện trực tuyến trong thời gian phòng chống dịch, điều tiết bổ sung cho Quỹ bổ sung 3 thu nhập, đảm bảo để cán bộ, phóng viên an tâm tác nghiệp trong thời gian tuyên truyền phòng chống dịch bệnh":

(1) Tại Điều 21 Luật Báo chí quy định: Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu.

Theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập; trong đó quy định:

Trích lập các Quỹ (Điều 19): Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập.

- Sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (khoản 1 Điều 20): Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp dùng để đầu tư, phát triển nâng cao hoạt động sự nghiệp, bổ sung vốn đầu tư xây dụng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, chi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, trợ giúp thêm đào tạo, huấn luyện nâng cao tay nghề năng lực công tác cho cán bộ, viên chức đơn vị; được sử dụng góp vốn liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và khả năng của đơn vị và theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng Quỹ do thủ trưởng đơn vị quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

- Sử dụng Quỹ dự phòng ổn định thu nhập (khoản 2 Điều 20): Quỹ dự phòng ổn định thu nhập để bảo đảm thu nhập cho người lao động.

(2) Về nguồn kinh phí phòng, chống dịch:

a) Ngày 5/2/2020, Bộ Tài chính có công văn số 1074/BTC-HCSN về việc bố trí kinh phí và sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV theo quy định tại Điều 60 Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bao gồm: ngân sách nhà nước, vốn viện trợ, các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật. Đề nghị, các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị tham gia phòng, chống dịch bệnh nCoV chủ động sử dụng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã được giao, sử dụng các nguồn lực sẵn có, tại chỗ để bảo đảm kịp thời kinh phí thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nCoV.

b) Bộ Y tế đã có công văn số 1133/BYT-MT ngày 09/3/2020 hướng dẫn phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc; trong đó quy định trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và những việc người sử dụng lao động cần làm để phòng chống bệnh Covid-19 tại nơi làm việc.

Theo quy định tại Điều 33, Điều 34 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế; cơ quan, tổ chức nếu đủ điều kiện thì được trích và sử dụng kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế được để lại để khám bệnh, chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nội dung chi, chế độ thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Ngày 31/3/2020, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có công văn số 1046/BHXH-CSYT gửi Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó đề nghị Bảo hiểm Xã hội các tỉnh thống nhất với các tổ chức, cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu còn dư sau khi đã mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động theo quy định để mua nước sát khuẩn, xà phòng, khẩu trang phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 như đề nghị của các đơn vị đó.

Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, thì các đơn vị chủ động sắp xếp, sử dụng dự toán được giao năm 2020, rà soát điều chỉnh dự toán đối với các khoản chi chưa thực sự cấp thiết sang ưu tiên cho các nhiệm vụ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong nội bộ đơn vị; nguồn trích kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế được để lại để khám bệnh, chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu (nếu có); các nguồn hợp pháp khác, nguồn lực sẵn có, tại chỗ (như Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp) để thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 theo quy định. Không sử dụng từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, để bổ sung cho Quỹ dự phòng ổn định thu nhập.

Vì vậy, đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam nghiên cứu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính để Hội Nhà báo Việt Nam được biết.

Theo congluan.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ