Giảm bậc thuế xuống dưới 7
Bộ Tài chính vừa đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định tờ trình Chính phủ xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế.
Một trong những nội dung đáng chú ý là bổ sung biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương.
Theo Bộ Tài chính, biểu thuế hiện hành chưa hợp lý bởi bảy bậc thuế là quá nhiều. Bên cạnh đó, việc giãn cách giữa các bậc quá hẹp dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào năm, làm tăng số thuế phải nộp.
Mặt khác, số lượng phải quyết toán thuế tăng không cần thiết, trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều. Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân theo các mức thuế lũy tiến từng phần được thực hiện phổ biến trên thế giới.
Vì vậy, Việt Nam có thể giảm số bậc thuế xuống dưới 7 bậc. Cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Việc giảm số bậc thuế sẽ tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế.
Ngoài ra, một nội dung khác cũng được quan tâm là mức giảm trừ gia cảnh. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, thu nhập cá nhân chịu thuế là khoản sau khi đã trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đóng góp từ thiện…
Bộ Tài chính đánh giá với mức giảm trừ hiện hành, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hoặc 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Bộ Tài chính dẫn báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) là 10,86 triệu đồng/tháng/người.
Mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay bằng 2,21 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người. Mức này cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng và tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất.
Bộ Tài chính nhận định, sau gần 5 năm áp dụng, đã tới lúc cần thiết rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với các điều kiện mới.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Giảm trừ theo mức sống thực tế
Theo quy định, từ năm 2009, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế được áp dụng là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm), với người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Đến năm 2013, mức giảm trừ với 2 đối tượng nêu trên tăng lần lượt là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) và 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, bổ sung quy định nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Năm 2020, thêm một lần mức giảm trừ gia cảnh được nâng, lần lượt là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và 4,4 triệu đồng/tháng, áp dụng cho đến nay.
Một số chuyên gia đề xuất gắn mức giảm trừ gia cảnh với tốc độ lạm phát hoặc mức lương tối thiểu vùng để phản ánh đúng thực tế chi tiêu. Hoặc áp dụng mức giảm trừ linh hoạt theo khu vực, ví dụ như tăng cao hơn tại các thành phố lớn, nơi chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn.
Khi tính toán mức giảm trừ gia cảnh phải dựa trên mức sống thực tế của người dân. Những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… có mức khác với những tỉnh, thành miền núi. Có thể căn cứ vào cách chia vùng hưởng lương khu vực để xác định mức giảm trừ phù hợp.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Thức đề xuất mức giảm trừ từ 14 - 16 triệu đồng/tháng với người nộp thuế.
“Ở Hà Nội, 60 - 70% người dân phải đi thuê nhà, tiền thuê khá tốn kém, chưa kể nhiều khoản chi phí khác. Mức 11 triệu đồng/tháng là quá thấp. Còn với người phụ thuộc, mức 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng cũng không thể đủ được. Theo tôi, ít nhất cũng phải để mức từ 5 - 7 triệu đồng trở lên”, ông Thức cho biết.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín đánh giá cao việc sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó, bổ sung các khoản chi cần thiết cho cuộc sống của người nộp thuế và người phụ thuộc như chi cho giáo dục, y tế. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể trong luật để tránh tình trạng lợi dụng chính sách và gây thiếu công bằng.
“Để tạo sự công bằng và hài hòa giữa người nộp thuế, luật cần xác định ngưỡng chi trả hài hòa. Ví dụ, chỉ chấp nhận mức học phí tương ứng mức trường công lập, viện phí theo mức của bệnh viện công. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát với sự phối hợp giữa các bên về bảo hiểm, y tế, giáo dục, cơ quan thuế để kiểm tra hồ sơ chứng từ, bảo đảm phản ánh trung thực, khách quan, tránh trục lợi”, ông Được thông tin.
Về giảm và giãn bậc thuế, theo ông Được, cần giảm xuống còn 5 bậc thay vì 7 bậc như hiện nay. Trong đó, nghiên cứu lợi ích và đánh giá tác động của việc bỏ bậc thuế cao nhất (35%). Đồng thời, nên giãn rộng khoảng cách thu nhập ở các bậc thuế thấp và “co hẹp” ở các bậc thuế cao.
Chẳng hạn, quy định hiện hành là thu nhập chịu thuế từ 0 - 5 triệu đồng/tháng chịu thuế suất 5% có thể thay bằng thu nhập chịu thuế từ 0 - 10 triệu đồng/tháng mới chịu thuế suất đó. Tương tự, khoảng cách thu nhập tính thuế ở bậc 5 và bậc 6 hiện là 8 triệu đồng có thể thay bằng 10 triệu đồng…
Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.