Núp bóng Ban đại diện để lạm thu!?
Theo nhiều phụ huynh, học phí trường công thật sự không đáng lo, mỗi tháng vài chục nghìn người lao động nghèo vẫn có thể chạy vạy để lo cho con ăn học được. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất lại là phụ phí tồn tại dưới hình thức “hỗ trợ”, “vận động”, “đóng góp”.
Nào là hỗ trợ việc học tập, sinh hoạt của học sinh như tiền điện nước, tiền vệ sinh, tiền học vi tính, tiền giữ xe đạp, tiền học buổi thứ hai, tiền học kỹ năng sống, tiền sinh hoạt câu lạc bộ, nào là vận động chỉnh trang khuôn viên nhà trường, nâng cấp sân bóng, cải tạo nhà vệ sinh, cải tiến hệ thống làm mát...
Các khoản thu này đều được tồn tại một cách danh chính ngôn thuận, được “núp” dưới cái bóng của mỹ từ “thỏa thuận” và “tự nguyện”. Nhà trường hợp pháp hóa khoản thu bằng cách đưa ra biên bản họp với ban đại diện cha mẹ học sinh. Thậm chí có trường còn in sẵn “Đơn xin tự nguyện đóng góp” như một tấm lá chắn hữu hiệu nhất để đối phó.
Một trong những “đối tượng” được coi là “khơi mào” cho chuyện lạm thu trong trường công lập lại hóa ra là Ban đại diện cha mẹ học sinh. Không ít nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã trở thành “công cụ” giúp cho các khoản lạm thu ở trong các trường công lập nghiễm nhiên có đất sống.
Do đó, Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh cần quy định cụ thể những khoản tiền không được “hỗ trợ”, “vận động”, “đóng góp” để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả, tránh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục.
Mặt khác, một số quy định của Thông tư 55 cũng gây khó khăn với các nhà trường. Theo một hiệu trưởng Trường THCS tại Hà Nội, theo quy định trong Thông tư 55 nhà trường không được phép thu khoản dọn vệ sinh.
Không thể để tình trạng nhà vệ sinh hôi, bẩn, nhiều trường học hiện nay phải lách quy định vận động viên phụ huynh nộp tiền vệ sinh để trường có tiền thuê người dọn dẹp và mua thêm chổi, nước tẩy rửa. Trường thu nhiều khoảng 50.000đ/học sinh, trường thu ít khoảng 20.000đ/học sinh. Với số tiền này cũng chỉ đủ hỗ trợ cho người phục vụ một tháng thêm từ 2-3 triệu đồng.
Biết là sai quy định nhưng không thể không làm vì tất cả cũng vì học sinh của mình. Nhiều giáo viên cũng thấy rõ những bất cập thực tế trong việc quy định không được thu tiền vệ sinh trường học. Bởi thế, nhiều người đề nghị Bộ GD&ĐT xem lại điều khoản bất hợp lý ấy để tạo cho nhà trường điều kiện thuận lợi nhất phục vụ học sinh.
Sửa đổi để phù hợp
Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh được ban hành từ năm 2011 đã tạo hành lang pháp lý để kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh.
Tuy nhiên trong thời gian thực hiện Thông tư 55, đã xuất hiện một số bất cập. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét sửa nội dung Điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo hướng Ban đại diện cha mẹ là đối tác, có vai trò đối thoại với nhà trường để bảo vệ quyền lợi cho học sinh.
Đa số các ý kiến cho rằng không nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh bởi họ là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh. Nếu không có sự kết nối này thì việc quản lý, giáo dục học sinh sẽ không hiệu quả.
Trách nhiệm của nhà trường là chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường có thể truyền tải những nội dung nâng cao chất lượng giáo dục hay một số hoạt động thiết yếu của trường để tất cả phụ huynh trong trường, lớp biết.
Ngoài ra, nhiệm vụ và trách nhiệm của Ban đại diện phụ huynh là cần có sự tăng cường hơn nữa để kết nối với các phụ huynh khác thông báo tình hình học tập, rèn luyện của học sinh. Tất cả hoạt động của Ban đại diện phụ huynh chủ yếu là cùng với nhà trường, thầy cô giáo xây dựng môi trường giáo dục tốt hơn.
Tuy nhiên, hoạt động của Ban đại diện phụ huynh không nên bị biến tướng thành những người tổ chức thực hiện việc lạm thu, thu tiền không đúng quy định ở trong nhà trường.
Điều đáng lưu ý ở đây là chúng ta cần xem xét lại hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để sao cho họ làm việc theo đúng chức năng, hiệu quả công việc. Bộ GD&ĐT sửa đổi Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nếu có điều gì bất hợp lý, chưa phù hợp với thực tế thì sẽ có sự điều chỉnh.