Ở tuổi ăn tuổi lớn, bé cần được bổ sung chất béo phù hợp với quá trình tăng trưởng và phát triển thể chất lẫn trí tuệ. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 60% não của trẻ được cấu thành từ chất béo trong những năm đầu đời.
Chất béo giúp ngăn cách các dây thần kinh, cải thiện khả năng học tập, phát triển chức năng của mắt, cung cấp năng lượng và giúp cơ thể hấp thu vitamin A, D, E, K. Nếu khẩu phần ăn hàng ngày thiếu hụt chất béo, chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là trí não.
Biết chất béo có vài trò quan trọng với sức khỏe con, chị Hạnh (Vũ Trọng Phụng, Hà Nội) cũng tìm mua nhiều loại thực phẩm có hàm lượng axit béo cao. Tuy nhiên, bé Na (2 tuổi) biếng ăn thịt, lười uống sữa, hễ rót dầu ô-liu vào cháo là bé vùng vằng bỏ ăn. Muốn con thông minh và khỏe mạnh, chị Hạnh còn nhờ bạn bè mua dầu cá, phô mai, váng sữa xách tay từ nước ngoài. Thế nhưng, bé dễ bị đau bụng, nôn trớ sau khi ăn vì mùi vị không hợp. "Con nhà người ta béo tròn, thậm chí hãm phanh chẳng được, còn bé nhà mình cứ còi cọc chẳng lớn, học đếm cũng chậm", chị Hạnh than thở.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có nhiều nguồn bổ sung chất béo cho con. Ngoài việc cung cấp 31g chất béo mỗi ngày đối với trẻ 6-12 tháng và dưới 50g với trẻ 1-6 tuổi, mẹ nên đa dạng các loại chất béo phù hợp với khẩu vị của con.
Các loại chất béo động vật như thịt mỡ, thịt nạc... chứa nhiều axit béo bão hòa giàu năng lượng, song, dùng nhiều lại có hại cho tim mạch. Trong khi đó, các hồi, mỡ gan cá, dầu cá, mỡ các loại động vật biển... chứa nhiều vitamin A, D và axit arachidonic tốt cho sức khỏe.
Váng sữa, phô mai, dầu thực vật (dầu mè, dầu ô liu, dầu hướng dương...), quả bơ, sữa, trứng gà, các loại hạt... cũng là những thực phẩm bổ sung có lợi cho sức khỏe của bé, nhờ hàm lượng cao các chất béo chưa bão hòa (unsaturated fats) giúp loại bỏ các cholesterol xấu, tăng sản xuất cholesterol tốt. Ngoài ra, chúng cũng có hàm lượng thấp chất béo bão hòa (saturated fats), chất béo chuyển hóa (trans fats) có hại cho tim mạch. Tuy nhiên, để đảm bảo năng lượng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ, cha mẹ nên cân đối lượng chất béo gốc động vật và thực vật trong khẩu phần ăn của con theo tỷ lệ 7:3.
Hàng ngày, mẹ có thể bổ sung chất béo cho bé bằng cách thêm vài thìa nhỏ dầu thực vật vào món ăn (cháo, canh, món xào...). Mẹ cũng có thể chế biến bơ đậu phộng, bơ dầm, sinh tố bơ... hoặc đổi món với pho mai, sữa, váng sữa hợp với khẩu vị của bé. Mỗi 100g váng sữa có thể cung cấp khoảng 14g chất béo có lợi cho bé, gồm các axit béo bão hòa có khối lượng phân tử thấp (axit butiric, caproic, capric, lauric…) giàu năng lượng, dễ tiêu hóa và các axit béo chưa bão hòa (axit loeic, linoleic, linolenic).