Bố mẹ… “tăng xông”
Lo con sẽ không theo kịp các bạn, phụ huynh Nguyễn Thị Mai (Vĩnh Phúc) quyết định dành ra 2 tiếng mỗi tối để cùng con ôn luyện môn Toán và Tiếng Việt. Tuy nhiên, con trai chị tỏ ra không hề thích thú. Cậu bé liên tục kêu mỏi tay, đói, hay “câu giờ” bằng cách chạy ra tìm tẩy, bút, quát chó…
“Có một lần ngồi kèm con học hơn 2 tiếng mà con chỉ làm được đúng một bài toán. Trong khi đó, phiếu bài tập của cô giáo yêu cầu con phải hoàn thành 3 bài. Bài thì nhiều mà tâm trí con cứ treo trên mây, tôi phát điên lên, đập tay xuống bàn ầm ầm, miệng liên tục mắng con học dốt. Cơn điên lên đến đỉnh điểm, tôi cầm cuốn vở của con vứt thẳng ra ngoài”, chị Mai chia sẻ.
Tương tự, phụ huynh Mạnh Tùng (Quảng Ninh) cũng ví mỗi buổi tối dạy con học bài là một “trận chiến”. Không chỉ dừng lại ở thái độ bực tức, cáu kỉnh hay quát tháo, vị phụ huynh này thậm chí còn dùng đến đòn roi bởi cảm thấy thực sự… bất lực.
Mặc dù đã cố gắng hướng dẫn, làm mẫu nhiều lần nhưng con đang độ tiểu học chỉ biết “tròn mắt” nhìn theo đầy ngơ ngác. Khi bố hỏi hiểu chưa thì con bảo hiểu rồi, song lúc đặt bút xuống làm bài thì lại sai. Có lúc, con trả lời miệng một đằng nhưng viết vào bài lại một nẻo.
“Tôi điên tiết kinh khủng. Cầm chiếc thước, tôi liên tục vụt vào tay con và nói: Học dốt thế này thì ở nhà chăn trâu. Con bé òa lên khóc, tôi càng bực, trợn mắt, chỉ ngón tay trỏ vào mặt và bắt con im”, anh Tùng chia sẻ.
Trên mạng xã hội, từng có clip bố dạy con học dài gần 3 phút bỗng trở thành câu chuyện nổi tiếng trên mạng xã hội vì quá hài hước. Dù chỉ xoay quanh 1 bài toán “có 10 cái kẹo” nhưng ông bố trong clip này phải “tăng xông” bao nhiêu lần vì con vẫn chưa cho ra kết quả. Mở đầu, ông bố hỏi: “Con có 10 cái kẹo, con cho em Cua 2 cái, cho bạn Gia Minh 3 cái, hỏi con còn bao nhiêu cái?”. Thay vì trả lời đáp án, cậu con trả treo: “Sao con phải cho chúng nó” khiến ông bố đứng hình.
Khi ông bố nhắc “đây là bài Toán, không phải ngoài đời” và hỏi lại câu cũ, đứa con vẫn khẳng định “Con muốn cho Bảo Ngân cơ, con thích bạn ấy”. Đến lúc này thì đúng là “bó tay” toàn tập.
Dù vậy, ông bố này vẫn kiên nhẫn nhắc con tập trung, rồi hỏi tiếp: “Con có 10 cái kẹo, con cho em Cua 2 cái, cho bạn Gia Minh 3 cái, tổng con cho các bạn 5 cái, hỏi con còn bao nhiêu cái kẹo”. Con trả lời: "Còn 10 cái. Con cho các bạn rồi con lại lấy lại". Choáng váng trước đáp án con đưa ra, đến lúc này người bố vừa giận vừa không nhịn được cười, đành phải bỏ qua và cho con làm bài tập khác.
Đây có lẽ chỉ là câu chuyện mang tính minh họa trong số rất nhiều câu chuyện trớ trêu khi kèm con học bài mà các bậc phụ huynh đã gặp phải. Nhiều người làm cha, làm mẹ đều có chung cảm nhận, việc kèm cặp con học nhiều khi khiến họ giận đến “phát điên”.
Chia sẻ kinh nghiệm
Nói về việc giữ tâm trạng ổn định khi dạy con học, chị Nguyễn Ngọc Hà, một bà mẹ 2 con ở Hà Nội cho biết, thay vì giận dữ, mỗi lần như thế chị lại bình tĩnh và cười xòa.
Chị cho rằng bí quyết chẳng có gì ghê gớm, đơn giản chị luôn tâm niệm: Đầu tiên là phụ huynh hãy nghĩ thật kỹ xem, ngày xưa mình đi học có từng ngớ ngẩn như thế này không? Mình đã không giỏi và con mình đang không giỏi là chuyện quá bình thường. Con mình có ngơ ngác không làm nổi bài cũng bình thường nốt.
Thứ hai, các anh chị hãy nghĩ xem, con mình có khả năng gì? Môn nào thế mạnh thì phát huy, môn nào không phải thế mạnh cũng không sao cả. Sau đó, các anh chị hãy xem lại và điều chỉnh mục tiêu kỳ vọng cho từng giai đoạn của con cho phù hợp.
Ví dụ học hết lớp 1 chỉ mong đọc thông viết thạo, biết cộng trừ, nên khi con đọc được 1 bài hoàn chỉnh dù có vấp váp đôi chỗ, chị cũng thấy hài lòng. Chữ con có xấu nhưng bù lại ít sai chính tả, mẹ vẫn đọc được, thế cũng mừng lắm. Đừng kỳ vọng quá vào trẻ, hãy nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con mà điều chỉnh kỳ vọng của cha mẹ cho phù hợp để không bị bực mình mỗi khi con không đạt được điều bố mẹ mong.
“Sau khi đã làm được những việc trên rồi, hãy nhớ rằng, càng quát mắng trẻ càng cuống, càng vặn vẹo nhiều trẻ càng bối rối. Hãy để con tự làm bài trong một khoảng thời gian nhất định. Việc của mình là kiểm tra lại, chỗ nào con đúng thì khen: Con làm đúng rồi đây này, tốt lắm; chỗ nào con sai thì đánh dấu bảo: Con suy nghĩ lại thử xem nên làm thế nào cho đúng nhé”, chị Hà chia sẻ.
Còn phụ huynh Xuân Trường (Hải Phòng) cho biết về câu chuyện thực tế của gia đình mình: “Tôi ít khi để vợ dạy con học, vì vợ tôi theo chủ nghĩa hoàn hảo, thấy con sai chút là chê bai, quát mắng làm con nhụt chí. Tuổi còn nhỏ, tư duy chưa hoàn thiện, sao bắt con phải học một hiểu mười được? Trong khi đó, cách dạy con của tôi lại khác. Tôi để con làm bài, sai đâu chỉ con sửa đó. Tôi cũng hay đặt ra phần thưởng như: Đi xem phim, công viên… để động viên mỗi khi con làm đúng các bài tập. Hiện tại, kết quả học tập của con luôn đứng top 5. Ở lớp cô giáo cũng khen con tự lập và chịu khó học bài”.
“Dạy con làm toán, vừa quay đi vài phút đã thấy con lén lấy máy tính ra bấm và ghi vào bài. Sang bài tập làm văn, con cứ lơ nga lơ ngơ, nghe giảng mãi không hiểu… Tình cảm mẹ con đi xuống vì mỗi lần kèm con học. Đọc mãi không được một dòng, đọc từ này quên luôn từ kia. Không có bố mẹ thì quay ra làm việc riêng. Cáu lên thì con nước mắt rơi lã chã làm thời gian học lại kéo dài thêm”, một tài khoản mạng chia sẻ.