Dạy con cách yêu thiên nhiên từ hành động cụ thể

GD&TĐ - Dạy trẻ ý thức đúng đắn về việc yêu thiên nhiên sẽ dẫn đến những hành động tích cực trong cuộc sống...

Học sinh Trường Tiểu học Lâu Thượng (Võ Nhai, Thái Nguyên) với tiết học “Làm đồ dùng học tập, đồ chơi từ vật liệu tái chế”. Ảnh minh họa: ITN.
Học sinh Trường Tiểu học Lâu Thượng (Võ Nhai, Thái Nguyên) với tiết học “Làm đồ dùng học tập, đồ chơi từ vật liệu tái chế”. Ảnh minh họa: ITN.

Thay đổi từ ý thức

Môi trường xanh, sạch, đẹp mang lại rất nhiều ý nghĩa và lợi ích đến đời sống con người. Đó là về sức khỏe, tinh thần thoải mái để học tập và làm việc. Vì thế, có được bầu không khí trong lành, môi trường luôn sạch phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Do đó, bảo vệ môi trường không chỉ là việc làm của riêng cá nhân nào mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó có học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Trường THPT Nguyễn Du (Nam Định) cho rằng, việc học sinh có thể làm rất tốt và thường xuyên đó chính là tự dọn dẹp vệ sinh lớp học, sân trường hay xung quanh nhà ở của mình. Đây chính là hành động thiết thực để gìn giữ cho môi trường luôn trong sạch. Hàng ngày, các em có thể trực nhật, quét dọn sân trường, thu gom rác thải… Cũng theo cô Hạnh, muốn con biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, người lớn cũng cần dạy con tiết kiệm nguồn tài nguyên như điện, nước…

Chị Nguyễn Lệ Hằng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trẻ ngày nay có điều kiện chăm sóc tốt hơn so với trước đây nên dạy con phải tiết kiệm nước tưởng chừng dễ nhưng không đơn giản. Vì ở thành phố, rất ít khi xảy ra chuyện mất nước dài ngày nên trẻ chưa ý thức được tầm quan trọng của nó.

Chia sẻ thêm, chị Hằng cho biết, hai con gái thường dùng nước tắm gội lãng phí, con thích vặn nước tràn ra bồn tắm cho đến khi nào tắm xong mới thôi. Điều này hình thành sở thích đùa nghịch với nước, làm bất kỳ việc gì con cũng vặn nước thoải mái.

Theo cô Hạnh, với một hành động nhỏ như tiết kiệm nước cũng đã góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Vì thế, cha mẹ cần cho trẻ hiểu, nước không phải là tài nguyên thiên nhiên vô tận. Nhất là để có nước sạch, chúng ta phải trải qua rất nhiều công đoạn xử lý. Khi thấy con mở vòi nước quá to, nên nhắc nhở và nói cho con biết nước sạch quan trọng tới mức nào. Khi con tắm gội cũng nên có sự hướng dẫn, chỉ bảo để tránh lãng phí nước quá mức. Thậm chí có thể để con trả giá một vài ngày cho hành động phung phí đó.

Cùng với đó là việc tiết kiệm điện. Rất nhiều trẻ có thói quen về nhà là bật tất cả các thiết bị điện, tivi ở phòng này bật lên rồi chạy sang phòng khác chơi. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ, điện là nguồn năng lượng quý và phải rất khó khăn mới tạo ra được.

Nếu bé không xem tivi, không sử dụng đèn nữa, hãy dạy con tắt những thiết bị này. Ngoài ra, nhiều trẻ còn mở tủ lạnh liên tục. Vì thế, người lớn cần khéo léo nhắc nhở bé việc làm đó là không tốt, lãng phí điện.

Cha mẹ cũng nên tập cho bé cách tận dụng ánh sáng và gió trời tự nhiên thay vì ngồi máy lạnh, điều hòa. Điều này vừa giúp tiết kiệm điện, lại vừa đảm bảo sức khỏe.

Một trong những hành động bảo vệ môi trường còn là việc tiết kiệm giấy. Thông thường, trẻ em rất thích chơi đùa với giấy và xé giấy vụn. Đây là một thói quen không tốt mà người lớn nên nhắc nhở và chỉ cho bé thấy, việc bé đang làm gây ảnh hưởng đến môi trường.

Cha mẹ cũng nên kể cho bé nghe quy trình để làm ra những trang giấy đó phức tạp như thế nào. “Những trang giấy thừa vẫn còn dùng được, ở trên lớp, thầy, cô giáo hãy hướng dẫn bé cách đóng thành một cuốn sổ nhỏ để ghi chép hoặc dùng để vẽ. Hành động nhỏ này của bé cũng đã góp một phần bảo vệ môi trường và yêu thiên nhiên hiệu quả”, cô Hạnh nói.

hoc-cach-yeu-thien-nhien2-7843.jpg
Ảnh minh họa: ITN.

Những hành động cụ thể

Khi dạy trẻ bảo vệ môi trường, cũng nên hướng bé đến thói quen tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm. Đơn giản như hãy sử dụng sản phẩm có thành phần thiên nhiên, lành tính, hạn chế dùng hóa chất độc hại. Chúng vừa không an toàn cho sức khỏe lại còn dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cô Hạnh nhận định, việc hạn chế sử dụng bao nilon cũng là cách để dạy trẻ bảo vệ môi trường. Vì thế, cha mẹ hãy nói cho trẻ biết loại bao này cần đến hàng nghìn năm để phân hủy nhưng chúng lại là loại rác thải được con người sử dụng nhiều nhất. Do đó, con cần hạn chế sử dụng và thay thế bằng các loại túi khác như là túi giấy, túi vải…

Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể dạy con làm các sản phẩm tái chế như đồ chơi, dụng cụ học tập… để góp phần bảo vệ môi trường. Có thể là ống tiết kiệm, lọ cắm hoa từ chai nhựa hay ngôi nhà, hộp đựng bút bằng bìa carton... Hoạt động này không những giúp bảo vệ môi trường, mà còn giúp trẻ có thêm nhiều trải nghiệm, có thêm nhiều món đồ chơi yêu thích, hạn chế thời gian xem tivi, điện thoại, iPad…

Đồng thời, hãy đăng ký cho bé tham gia những hoạt động tập thể về bảo vệ môi trường bất cứ khi nào có thể như trồng cây xanh, nhặt rác… Bố mẹ cũng không quên giải thích cho bé biết tầm quan trọng của cây xanh đối với môi trường sống. Ngoài ra, hãy dẫn chứng cho con từ những điều thực tế như là mỗi lần đi qua bãi rác không đúng quy định sẽ tạo ra mùi hôi thối, ruồi, muỗi, vi khuẩn…

“Mỗi trẻ có những tính cách khác nhau, vì thế bài học dạy con cần linh hoạt. Đặc biết, khi trẻ rèn được những thói quen như ngăn nắp, phân loại rác thải và bỏ rác đúng nơi quy định… cha mẹ cần có những lời khen ngợi, động viên. Mục đích để trẻ có thêm động lực và tiếp tục duy trì những thói quen tốt này”, cô Hạnh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ