'Bố mẹ là nơi an toàn nhất cho tâm hồn mong manh của sỹ tử'

GD&TĐ - Đã qua tuổi học trò mấy mươi năm, cảm xúc hồi hộp mùa thi đã trở nên xa lạ. Thế nhưng, mấy hôm nay, con tôi vào mùa thi tốt nghiệp THPT, bao xúc cảm bồi hồi, lo lắng, nơm nớp thuở nào lại trở về. Thậm chí, xúc cảm ấy còn mạnh hơn, đậm hơn, tình hơn rất nhiều…

'Bố mẹ là nơi an toàn nhất cho tâm hồn mong manh của sỹ tử'

Trước ngày thi, cả đêm không ngủ nhưng không dám để lộ thần thái ấy kẻo con lỡ nhận ra thì… “nguy”. Sáng sớm ngày thi, đêm không ngủ nên dậy rất mệt nhưng ý chí còn mạnh hơn, nó bảo “đừng có mà uể oải đó, con sẽ tinh tế nhận ra”. Thế nên, vào nhà vệ sinh, tút tát lại thần sắc, mặc quần áo sắc màu tươi tắn, vào phòng bếp nấu cho con bát canh phở đã ninh sẵn xương từ tối qua.

“Con ăn đi, rồi ăn quả táo nữa nhé”.

“Dạ, mẹ cứ để đó, sớm thế mẹ. Mà con chả muốn ăn”.

“Ừ, mẹ biết rồi. Là ăn chút thôi cũng được, ăn cho mẹ vui”.

Chồng tôi cũng dậy từ sớm, đêm qua cũng trằn trọc. Anh bảo: “Ừ, con ăn đi. Ít cũng được, ăn không hết để bố ăn hộ cho. Ăn đi rồi bố đưa đi, tiện bố đi làm”.

Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy... chỉ có ai trong hoàn cảnh mới thấu hiểu. “Con lo một thì bố mẹ lo mười. Nỗi lo ấy lại chẳng thể bột phát ra ngoài”. Điều ấy không phải là giả tạo, mà là sự kiên định để con an lòng, không bị gây áp lực đó thôi.

Tấp nập những người cha, người mẹ đưa con đến trường bằng các phương tiện cùng lời ân cần dặn dò và khi thí sinh đã vào phòng thi. Tiếng í ới dặn dò với vọng vào cổng trường. Muôn cảnh phụ huynh, có người ở xa, có người khốn khó, trong túi chuẩn bị sẵn bữa trưa hoặc tới nhà người quen ăn tạm chờ thi buổi chiều. Có người ông bà, cha mẹ có khi ốm đau, không thể đưa con chu đáo... Có nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung, cha mẹ nào cũng thương con, hy vọng, kỳ vọng cũng đều giấu nhẹm bên trong.

Đặc biệt gần đây có nhiều trường hợp bi quan xảy ra với con trẻ khi bố mẹ kỳ vọng vào con, rồi con có những hành động tiêu cực như bỏ nhà đi, tự tử… khiến phụ huynh nơm nớp lo âu.

Nhìn con em mình đi thi với bao tiếng cười rộn rã nhưng bên trong phụ huynh, có những giọt nước mắt thầm lặng, nỗi niềm buồn vui nào có ai thấu?

Dù con đã vào phòng thi nhưng ngoài cổng tôi và không ít phụ huynh vẫn đứng đó, kiên trì dõi ánh mắt dõi theo. Bên trong phòng thi yên tĩnh là thế nhưng ngoài điểm thi phụ huynh như “ngồi trên đống than”.

Mong con em mình có kết quả tốt nhưng có mấy ai “dám” lớn tiếng khi con ra khỏi phòng thi. Những câu nói đầu tiên gặp con khi đón ở cổng trường thường là “con có mệt không? Con uống nước bố/mẹ đã chuẩn bị sẵn rồi nhé”; “Kết quả thế nào cũng được con ơi, kệ đi mà”…

Phụ huynh bây giờ đã “khôn ra” không còn vụng dại trong ứng xử với con em như xưa nữa. Cuộc sống bây giờ khác xưa, ứng xử cũng vì thế mà phải cập nhật “gạn đục khơi trong” để trọn vẹn với con cái. Không phải cứ là phụ huynh thì nói gì cũng cho là đúng. Điều ấy xưa rồi!

Dù trời nắng, mồ hôi ướt đẫm, cha mẹ nào cũng “cấm” kêu ca, tất cả chỉ muốn là hậu phương vững chắc cho các con. Mệt mấy, khát mấy cũng cứ như là “lực sỹ” hết cả. Để khi con nhìn thấy bố mẹ ngoài cổng, con còn có cảm giác “bố mẹ vẫn là nơi an toàn nhất cho tâm hồn mong manh của sỹ tử. Mình có làm bài không tốt vẫn là con yêu của bố mẹ. Chắc bố mẹ không giận mình đâu”.

Mà đúng vậy đó, bố mẹ làm tất cả vì các con, đâu có cảm thấy mệt nhọc hay nắng mưa chờ đợi là gì, tất cả chỉ là muốn nhắn nhủ đến con: “những thời điểm quan trọng nhất với cuộc đời con đều có mẹ cha bên cạnh”.

Những thử thách này, trong các buổi thi tha thẩn chờ con trước cổng trường, dường như tôi cũng như nhiều phụ huynh khác, dẫu bên trong có bộn bề cuộn sóng thì đâu đó vẫn cảm nhận niềm hạnh phúc vô bờ bến khi nhìn thấy gương mặt con khi bước ra ngoài cổng trường. Bao nhiêu gian khó để sau hãy tính.

Cha mẹ muôn đời vẫn sẽ là điểm tựa cho con, cuộc thi này chỉ là một phần giữa lằn ranh thi cử của một thời điểm dấu ấn, để mai này bước tiếp những chặng hành trình về phía tương lai. Nên, các con hãy cứ an lòng, làm tốt việc nhất của mình, vậy là đủ an yên cho cha mẹ.

Đường đời còn dài, nghe con!!!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ