Bố mẹ đừng nên bắt con đạt điểm 10 'bằng mọi giá'

GD&TĐ - Theo chuyên gia, khi bố mẹ bắt con phải đạt điểm 10 bằng mọi giá sẽ tạo ra những áp lực không nhỏ với đứa trẻ chỉ để thỏa mãn nhu cầu của người lớn.

Để học sinh vượt qua áp lực thi cử rất cần sự hỗ trợ về tâm lý của cả gia đình, thầy cô. Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.
Để học sinh vượt qua áp lực thi cử rất cần sự hỗ trợ về tâm lý của cả gia đình, thầy cô. Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.

Nhiều trẻ bị áp lực điểm số

Áp lực điểm số là vấn đề không mới trong ngành Giáo dục nhiều năm qua. Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều quy định liên quan đến công tác kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng giảm áp lực về điểm số. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bậc phụ huynh có tư tưởng trọng điểm số mà gây áp lực cho con.

Mới đây, nữ giáo viên trường tư thục tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ với báo chí về câu chuyện một học sinh lớp 3 bị mẹ tát giữa sân trường có đông người. Nguyên nhân xuất phát từ việc em này không đạt điểm 10 mà chỉ giành điểm 9 môn Tiếng Anh ở bài kiểm tra giữa học kỳ 1.

Theo lời kể của cô giáo, em học sinh này có học lực tốt và điểm kiểm tra giữa học kỳ 1 không hề thấp. Tuy nhiên, lúc đón con, người mẹ kia đã liên tục chất vấn con "tại sao không đạt điểm 10" mà không chờ con giải thích liền dùng tay tát vào mặt con.

Vai trò phối hợp giữa gia đình, phụ huynh rất quan trọng trong giáo dục trẻ. Ảnh minh họa: ITN.

Vai trò phối hợp giữa gia đình, phụ huynh rất quan trọng trong giáo dục trẻ. Ảnh minh họa: ITN.

Dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, điểm vô lý là sự đề cao đến mức vô lý về điểm số của các bậc phụ huynh. Điểm 10 là thang đánh giá cao nhất và đòi hỏi sự hoàn hảo ở mọi phương diện.

Vì áp lực thành tích, điểm 10 xuất hiện như "mưa" khắp nơi và đã gây ra tình trạng ảo tưởng từ cả phía phụ huynh lẫn học sinh. Rất nhiều cha mẹ đã coi điểm 10 như điểm số trung bình, điểm đạt trong thang đánh giá học vấn của con.

Chỉ cần điểm con tụt xuống 9, những phụ huynh đó đã coi như con mình là đồ vô dụng, là nhân vật thất bại thảm hại và đem lại nỗi ám ảnh cũng như phá hủy hình ảnh của gia đình. "Lạm phát" điểm 10 đã làm cho các thang đo giá trị giáo dục trở nên biến dạng.

Trẻ em chỉ cần làm thật tốt bài thi là đủ. Chính vì vậy, tình trạng các thầy cô rèn trước các dạng bài thi để học sinh của mình được thật nhiều điểm 10 đã diễn ra ở một số nơi. Đã có nhiều ngôi trường dạy trước chương trình cho học sinh để cuối kì dồn thời gian ôn tập và luyện thi.

Thỏa mãn bố mẹ mà áp lực con cái

TS Vũ Thu Hương khuyên các bậc phụ huynh không nên gây áp lực quá mức cho con. Ảnh: NVCC.

TS Vũ Thu Hương khuyên các bậc phụ huynh không nên gây áp lực quá mức cho con. Ảnh: NVCC.

TS Vũ Thu Hương dẫn giải, vì lý do công việc, chị Q.A (trú tại Hà Nội) - một phụ huynh phải chuyển trường cho con vào giữa năm học trước đã tá hỏa khi nhận ra, ở trường cũ con đã học đến bài 16 nhưng sang trường mới thì con mới học đến bài 8.

Học quá vội vàng, trẻ không thu lượm tích lũy được hết kiến thức cũng không đủ thời gian rèn kĩ năng, từ đó kéo theo tình trạng các con điểm cao mà vẫn không biết gì nhiều.

Điểm số cao còn khiến các em bị ảo tưởng về khả năng của chính mình, không thể xác định được lỗ hổng kiến thức nếu có, những khiếm khuyết về tính cách và năng lực. Tình trạng các bạn luôn đạt điểm giỏi ở phổ thông nhưng khi đi du học gặp nhiều vấn đề đã không còn là thiểu số.

Vị nữ chuyên gia cũng cho hay, khi đạt điểm số cao, các em nghĩ mình sẽ hoàn toàn thành công ở khắp mọi nơi. Vì thế, khi đến một ngôi trường học tập mới, các em sẽ không có sự khiêm tốn lắng nghe, các khiếm khuyết lúc này bộc lộ khiến các em không thể theo kịp.

Áp lực điểm số còn khiến trẻ mất hoàn toàn nhu cầu học hỏi khám phá. Các em căm ghét việc học, cho rằng việc học chỉ là điều người lớn muốn. Khi nhu cầu học hỏi bị triệt tiêu, các em sẽ học trong áp lực và những cơn 'bão giông' tại gia đình.

Vì chiến đấu cho điểm số, trẻ cũng không có thời gian cho các hoạt động sinh hoạt cuộc sống khác. Tỉ lệ trẻ trầm cảm do áp lực học tập có xu hướng gia tăng gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của các em.

"Thời gian phấn đấu cho điểm số chiếm phần lớn, các em cũng ít có thời gian trau dồi tư cách đạo đức, rèn luyện kĩ năng sống. Đã có không ít học sinh tốt nghiệp THPT nhưng kĩ năng sống kém và gặp vô số khó khăn trong cuộc sống. Từ các kĩ năng quản lý thời gian, quản lý tiền bạc, kĩ năng lập và thực hiện kế hoạch đến các kĩ năng cơ bản nếu không có sẽ gặp vô vàn lúng túng và thất bại" - TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ