Cụ thể, sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên bộ môn xây dựng kế hoạch cá nhân trong chương trình môn mình giảng dạy đúng với quy định, hướng dẫn của ngành; thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đổi mới cách soạn bài, áp dụng tốt các phương tiện và phương pháp dạy học tích cực để từng bước nâng cao hiệu quả giờ dạy.
Mỗi giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh, dành nhiều thời gian rèn luyện kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm sáng tạo để giúp học sinh vừa củng cố kiến thức đã học vừa vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Việc biên soạn kế hoạch dạy học phải cập nhật kiến thức mới, chú trọng kiểm tra, ôn tập, phụ đạo bổ sung những kiến thức cơ bản cho học sinh, thường xuyên rèn luyện những kỹ năng làm bài đặc biệt là kỹ năng làm bài thi vào lớp 10 trung học phổ thông.
Thường xuyên bồi dưỡng năng lực chuyên môn nghiệp vụ qua các khóa học, lớp học chuyên môn của ngành hoặc tự học qua các tài liệu, qua các giờ dạy của đồng nghiệp, qua các tiết dạy của bản thân được đồng nghiệp rút kinh nghiệm hoặc tự rút kinh nghiệm.
Giáo viên cũng được yêu cầu chuẩn bị kỹ nội dung bài trước khi lên lớp, xác định đúng mục đích yêu cầu, trọng tâm của bài để khắc sâu kiến thức cơ bản, các kĩ năng cần thiết cho học sinh. Thường xuyên liên hệ với thực tế, ứng dụng CNTT vào các giờ dạy, kết hợp tốt các phương pháp dạy học để tăng tính hứng thú của học sinh, tạo sự phấn khởi và niềm yêu thích môn học.
Nắm rõ từng đối tượng học sinh trong lớp mình giảng dạy, hiểu tâm lý, lực học từng em để có cách dạy, giao bài tập sao cho phù hợp, quan tâm đều đến tất cả các em, thường xuyên tạo được không khí học tập thân thiện, tích cực;
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu giáo viên bộ môn cần nghiêm túc thực hiện việc ra đề, coi kiểm tra đến việc chấm, chữa bài cho học sinh; khi chấm chú ý chỉ ra những lỗi sai và hướng dẫn cho học sinh tự sửa từ các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết đến các bài thi định kỳ và kiểm tra học kỳ.
Không nên lấy điểm số làm áp lực với các em; tạo điều kiện thuận lợi để học sinh mạnh dạn thể hiện bản thân, sửa chữa nhược điểm; chấm và công bố điểm phải khách quan, công bằng tạo không khí thi đua trong học tập với học sinh. Luôn biết động viên, khích lệ với những tiến bộ dù nhỏ của các em…