Bố mẹ đừng biến mình thành "người giúp việc" đa năng của con!

GD&TĐ - Trong cuộc trò chuyện với Báo Giáo dục và Thời đại, Chuyên gia Giáo dục - TS. Giáp Văn Dương nêu quan điểm và giải pháp giúp các bậc cha mẹ giải phóng khỏi danh phận “người giúp việc” của con.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

- Ông đánh giá thế nào về thực trạng, cha mẹ là người giúp việc cho con cái hiện nay?

Khi chạm vào chủ đề này, tôi chợt nhận ra, câu chuyện này lớn và thiết thực hơn những gì thoạt ta tưởng. Có lẽ, đây là một trong các chủ đề nóng trong các gia đình Việt, đặc biệt là các gia đình ở thành phố, đã hàng chục năm nay.

Còn nhớ, khi vừa chân ướt chân ráo ra Hà Nội học đại học, tôi đã chứng kiến hiện tượng này khi đi dạy gia sư. Thấm thoắt đến nay đã 25 năm, mà chuyện bố mẹ làm osin cho con cái lại ngày càng phổ biến. Kết quả là chúng ta có rất nhiều “những em bé tuổi 30”, khi đã học xong đại học và đi làm nhiều năm mà vẫn chưa thể tự lập, tự chủ, tự chăm sóc bản thân mình.

Nguyên nhân là ngay từ bé, các con chỉ lo học, còn mọi việc khác đã có bố mẹ lo. Đến khi học xong đại học và đi làm, tình trạng trên vẫn không thay đổi. Điều này đã không chỉ làm phiền lòng và mệt mỏi cho các bố mẹ, gây hại cho con, ảnh hưởng đến sự phát triển của các thế hệ sau và rộng hơn, gây hại cho cả xã hội. Những tác hại đó, thiết nghĩ, không cần phải nói nhiều thêm.

Chuyên gia Giáo dục - TS. Giáp Văn Dương.
Chuyên gia Giáo dục - TS. Giáp Văn Dương.

- Vậy làm sao để khắc phục hiện tượng này, thưa ông?

Tôi nghĩ, việc đầu tiên là các bố mẹ phải xác định rõ ràng và dứt khoát: Phải dạy con cách tự lập, tự chủ, tự chăm sóc bản thân. Con sẽ phải học cách tự tổ chức cuộc sống cá nhân và cuộc sống gia đình, chứ không vì bất cứ lý do gì mà bố mẹ làm thay con cái mọi việc được. Bố mẹ không thể sống thay con, cũng không thể trở thành osin của con cái được. Đây cũng là nguyên tắc tổ chức việc dạy con ở trong gia đình. Và làm được như thế mới là thương con đúng cách.

Chỉ khi xác định rõ ràng như thế, và xác lập được tâm thế đó, thì bố mẹ mới giữ được sự nhất quán trong việc dạy con và đồng hành cùng con trên bước đường trưởng thành.

Nếu không, chỉ cần có một tình huống mới phát sinh, như khi con bận học thêm, thì dù nói con phải tự lập, nhưng ngay lập tức bố mẹ lại xông vào “cơm bưng nước rót”, phục vụ con cái đến tận răng.

Người phục vụ, và người được phục vụ, dần dà sẽ cảm thấy quen, sẽ thấy đó là việc bình thường. Đặc biệt là khi bố mẹ có thời gian, hoặc có kỹ năng làm việc nhà, và con thì bận học thêm và lo bài vở. Kéo dài lâu ngày sẽ thành nếp. Bố mẹ trở thành osin của con cái, cơm bưng nước rót, giặt giũ quần áo, lau dọn phòng riêng… lúc nào không hay biết.

- Ông đánh giá thế nào về vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong các gia đình hiện nay? Có những bất cập nào cần khắc phục để giảm thiểu “những đứa trẻ to xác”, thưa ông?

Bố mẹ cũng cần xác định rõ, nhà trường với cách tổ chức dạy học và thi cử hiện thời thì chỉ có thể dạy kiến thức, còn dạy con kỹ năng tự lập, tự chủ, tự chăm sóc bản thân là việc của gia đình. Vì thế, gia đình cần tập trung dạy con những gì mà nhà trường không dạy. Trong đó, kỹ năng sống, giá trị sống, văn hóa sống… là những thứ mà bố mẹ cần phải dạy trước hết.

Nói cách khác, bố mẹ không thể buông việc dạy con hoàn toàn cho nhà trường được. Việc buông con cho nhà trường như vậy là quá rủi ro. Suy cho cùng, con cái là tài sản lớn nhất của các bố mẹ. Buông việc dạy con hoàn tooàn cho người khác là một việc rất mạo hiểm, và có phần nguy hiểm.

Thứ hai, sau khi đã xác định rõ ràng như thế, bố mẹ cần tổ chức lại thời gian biểu cho con và cho cả gia đình. Bố mẹ cũng cần cân đối lại các mục tiêu học tập của con. Những việc không cần thiết, như học thêm triền miên chỉ để luyện thi, hoặc học các nội dung a dua theo chúng bạn, sẽ bị cắt bỏ. Nhờ đó, con có thêm thời gian học cách làm việc nhà, học cách thu xếp cuộc sống cá nhân và chia sẻ cuộc sống gia đình.

Trẻ có thể tự làm được nhiều việc hơn ta tưởng. (Ảnh minh hoạ)
Trẻ có thể tự làm được nhiều việc hơn ta tưởng. (Ảnh minh hoạ)

- Nhiều cháu hiện phải đi học thêm đến tận khuya 9-10 giờ đêm mới về. Sau đó lại còn phải học bài. Vậy bố mẹ làm sao có thể dạy các con đây, thưa ông?

Theo tôi, muốn con học được cách tự lập, tự chủ, tự chăm sóc bản thân, tự tổ chức cuộc sống của mình thì điều tối thiểu là con cần có đủ thời gian cho những việc đó. Những kỹ năng đó không tự nhiên mà đến. Muốn có nó, cần phải thực hành hằng ngày.

Mà muốn thực hành hằng ngày thì phải thấy nó quan trọng và ưu tiên cho nó. Nhưng rất nhiều bố mẹ lại cho rằng học thêm để thi lấy điểm cao, để hoàn thành bài tập về nhà, quan trọng hơn việc học các kỹ năng sống này. Đó quả thực là một sai lầm.

Chính bố mẹ, nếu nhìn lại, sẽ thấy những gì cần cho công việc và cuộc sống của chính mình không nằm trong các buổi học thêm hay các chồng bài tập về nhà. Hiểu được điều đó, bố mẹ sẽ đủ can đảm để điều chỉnh lại nội dung và mục tiêu học tập của con, cả ở trường và ở nhà.

Bố mẹ khi đó sẽ thấy ngôi nhà của mình chính là một ngôi trường. Các phòng trong nhà sẽ trở thành các phòng học. Còn các công việc và tình huống xảy ra trong nhà, từ vệ sinh cá nhân, chăm sóc bản thân, làm việc nhà, đến giao tiếp ứng xử … đều trở thành nội dung của giáo dục.

- Nhưng nếu con không thích học các nội dung này thì sao, thưa ông?

Tiếp đến, bố mẹ phải giúp con hình thành một nhận thức quan trọng: Mỗi người đều phải sống cuộc đời của mình. Không ai sống thay cho ai được. Bố mẹ không thể làm thay, sống thay cho con. Tương tự như thế, các con cũng không thể làm thay, sống thay cho bố mẹ được.

Vì thế, các con phải học cách tự chăm sóc bản thân, tự lập và tự chủ, tự tổ chức đời sống của mình sao cho chân thật và hiệu quả, chứ không thể sống dựa vào bố mẹ. Không thể việc gì cũng để bố mẹ làm giúp, làm thay. Làm thay con  như thế, tưởng là thương con, mà chính là hại con sau này.

Chính nhờ làm cho các con hiểu được điều này mà con cái sẽ có ý thức và từng bước chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, mà khởi đầu là việc tự chăm sóc bản thân, tự lập và tự chủ, để từ đó biết cách tự tổ chức cuộc sống cá nhân và phần nào là cuộc sống gia đình.

Dần dần, các con sẽ học được cách đưa ra quyết định, và chịu trách nhiệm với quyết định đó. Tức là con bắt đầu học cách sống cuộc đời mình.

Về nguyên tắc là như thế. Và nói cũng dễ là như thế. Nhưng vào thực tế, mọi việc không dễ dàng chút nào. Phần vì con người ta thường thích nhanh, thích tiện, thích những thứ dễ dàng, thích những lợi ích trước mắt, chứ ít khi nghĩ đến điều dài hạn.

Làm thay con, làm giúp con thì nhanh và tiện. Để bố mẹ làm giúp cũng tiện và nhanh. Nhất là khi có lý do chính đáng như con bận học thêm, đến chín mười giờ tối mới về, nên phải phục vụ, phải cơm bưng nước rót cho con, phải dọn dẹp phòng ốc, giặt giũ cho con.

- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

“Thay vì lựa chọn các giải pháp nhanh và tiện là làm giúp con, bố mẹ cần tạo điều kiện và hướng dẫn để con được tham gia mọi việc trong gia đình. Con cần được tham gia và thể hiện mình trong tất cả các công việc liên quan đến cuộc sống cá nhân và cuộc sống gia đình ngay từ nhỏ, trong sự tôn trọng và có kế hoạch, với tinh thần đồng kiến tạo rõ ràng và mạnh mẽ từ phía bố mẹ. Chỉ như thế, các con mới từng bước tạo ra sự trưởng thành cho chính mình, và từng bước làm chủ cuộc đời mình. Nhờ thế, bố mẹ cũng không trở thành osin cho con cái, và xã hội cũng không còn những “em bé tuổi 30” như hiện giờ.” – TS. Giáp Văn Dương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.