Bố mẹ cần làm gì khi phát hiện trẻ đổ lỗi?

GD&TĐ - “Tại mẹ nên con mới thế”, “Tại bạn ấy cứ đuổi nên con mới ngã”… Đó là hàng loạt chiêu đổ lỗi của trẻ trước khi nhận trách nhiệm của mình...

Việc dạy trẻ thừa nhận lỗi của mình không bao giờ là quá sớm. Ảnh minh họa.
Việc dạy trẻ thừa nhận lỗi của mình không bao giờ là quá sớm. Ảnh minh họa.

Không dạy trẻ một cách máy móc

Chuyên gia cho rằng, nhìn từ góc độ của người lớn thì thấy rõ ràng, trẻ đổ lỗi là trốn tránh và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Thực tế, trẻ có rất nhiều kiểu để đổ lỗi.

Theo cô Lê Thu Giang - Trường THPT Ngô Quyền (Hà Nội), thông thường, trẻ đổ lỗi là để trốn tội. Nếu trẻ biết khi mắc lỗi sẽ bị bố mẹ mắng, con bắt đầu suy nghĩ để tìm ra lý do trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác. Khi làm hỏng đồ chơi của người khác, bố mẹ hỏi con lý do vì sao? Trẻ thường trả lời: “Tại bạn ấy tự cho con mượn đồ chơi”.

Khi mẹ bắt trẻ phải ăn rau nhưng trẻ chỉ ăn một ít rồi thôi. Mẹ yêu cầu trẻ phải ăn hết. Khi không muốn ăn trẻ sẽ nói: “Tại mẹ làm nhiều quá con không thể ăn hết được”. Khi trẻ chơi cùng với một đám đông trẻ nhỏ, sau khi chơi xong không dọn dẹp đồ chơi, khi bị hỏi đến thì trẻ sẽ nói con chỉ chơi ít thôi nên con không dọn…

Trong những kiểu đổ lỗi, trẻ có thể sẽ không được như ý muốn nên trách móc người khác. Khi trẻ muốn mượn đồ chơi của người khác nhưng không được đồng ý, ngay lập tức trẻ sẽ nói bạn ki bo, ích kỉ khi không biết chia sẻ đồ chơi cùng mình.

Hoặc khi trẻ đang chơi với người khác và muốn mượn đồ chơi nhưng không thành, có thể trẻ sẽ chạy đến mách với bố mẹ. Lúc này người lớn tuyệt đối không được thuận theo ý con bắt người khác phải nhường đồ chơi cho trẻ. Mục đích để con học được cách hợp tác với người khác chứ không phải cứ gặp khó khăn lại đi yêu cầu bố mẹ giúp giải quyết vấn đề theo ý mình.

Cô Giang cho rằng, thay vì việc để con phải tự mình chịu trách nhiệm thì người lớn có thể cùng phân tích cho con nên làm thế nào, không nên làm thế nào, khiến trẻ khi đối mặt với lỗi lầm thì có thể dũng cảm nhận lỗi. Đồng thời chúng ta cũng tạo niềm tin và trao cơ hội cho trẻ, tin tưởng rằng nhất định con sẽ làm tốt trong những lần sau.

Nếu những bậc làm cha làm mẹ không có được quan điểm giáo dục đúng đắn thì sau này khi lớn lên thói quen chối bỏ trách nhiệm sẽ đi theo con suốt cuộc đời.

“Trẻ con là giai đoạn trẻ bắt đầu phát triển và hình thành tư duy. Vậy nên, trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, cha mẹ hãy có những cách hành xử đúng đắn ví dụ như không đổ thừa nhau: “Tại anh…”, “Tại em…” vì khi cha mẹ có hành vi như vậy, trẻ sẽ học ngay cách chối bỏ trách nhiệm như thế”, cô Giang nói.

Chúng ta thường bắt trẻ phải nói “xin lỗi” bất cứ khi nào con hành động sai. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ nói một cách máy móc mà không thực sự hối lỗi về việc mình làm.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Trao cơ hội cho trẻ tự đưa ra quyết định

Để dạy bé biết nói xin lỗi một cách chân thành, hãy dẫn dắt bé để con tự đưa ra quyết định của mình. Bạn có thể nói chuyện riêng với bé để giúp con nhìn nhận lại tình huống vừa xảy ra. Hãy khuyến khích trẻ đặt mình vào vị trí của trẻ khác. Tuy nhiên, bạn đừng ép bé mà hãy để con suy nghĩ, nhận thức và tự đưa ra quyết định có xin lỗi hay không.

Trên thực tế, rất nhiều trẻ không chịu nói xin lỗi đơn giản vì chúng không biết được tầm quan trọng của hành động ấy. Người lớn hãy giải thích để bé hiểu xin lỗi là việc cần làm khi con có lời nói hoặc hành động sai trái với người khác. Con cũng cần hiểu rằng hành động xin lỗi không xóa bỏ được những gì đã xảy ra. Nhưng nó cho thấy trẻ sẽ nỗ lực để không lặp lại việc sai đó nữa.

Ngoài ra, việc hiểu được bằng cách xin lỗi, bé sẽ xoa dịu được những tổn thương mà mình đã gây ra cho người khác. Tất nhiên, bạn hãy diễn đạt theo cách phù hợp nhất với độ tuổi cũng như tính cách của bé.

Cô Giang cho rằng, khi trẻ đã phân biệt được đúng sai thì bước tiếp theo cha mẹ nên dạy trẻ cách nhận lỗi. Đôi khi trẻ không biết phải nhận lỗi như thế nào, cha mẹ cần nói cho trẻ hiểu những hành động sai lầm và dạy trẻ cách thừa nhận nó bằng việc nói lời xin lỗi kèm theo lý do.

Cha mẹ hãy khơi gợi cho trẻ cách mở lời khi mắc sai lầm ví dụ như “Tớ xin lỗi vì đã làm hỏng đồ chơi của bạn”, “Con không cố ý làm đổ cơm”… Hãy dạy điều này với trẻ nhiều lần để cho trẻ hiểu, trong cuộc sống, ai cũng có thể mắc sai lầm, quan trọng là biết nhận lỗi và biết sửa chữa nó.

Nhiều phụ huynh cho rằng, con phải lớn mới hiểu được bản chất vấn đề để xin lỗi, chứ còn bé thì có dạy cũng chỉ nói học vẹt thôi. Thế nhưng, cô Giang cho rằng, cha mẹ có thể dạy trẻ nhận lỗi khi còn rất nhỏ.

Khi trẻ bắt đầu biết nói là thời điểm trẻ học nhanh nhất những điều nhận thức được từ xung quanh. Lúc này, cha mẹ có thể dạy trẻ học cách biểu đạt cảm xúc và lời xin lỗi qua cái ôm chặt hoặc thơm má để xin lỗi khi đã làm tổn thương ai đó. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên làm mẫu cho những sai lầm với trẻ như ôm bé và nói “mẹ xin lỗi vì…” để trẻ hiểu và biết cách bày tỏ sự hối lỗi khi mắc sai lầm.

Tuy nhiên, trong mỗi lần xin lỗi con, cha mẹ cũng cần xác định “điểm dừng” cho các con, tránh để bị trẻ lấn lướt quá đà, sẽ gây ra tính ích kỷ ở trẻ. Bên cạnh việc nói lời xin lỗi cha mẹ cũng định hướng cho trẻ cần phải ứng xử như thế nào trước những lỗi lầm của mọi người xung quanh.

“Việc dạy trẻ thừa nhận lỗi của mình không bao giờ là quá sớm. Khi trẻ biết dũng cảm nhận lỗi và xin lỗi sẽ giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, gắn kết mọi người xung quanh với nhau”, cô Giang nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ