Bỏ hội phụ huynh, "con ai nấy lo"!

Nhiều ý kiến đang đòi bỏ hội phụ huynh càng sớm càng tốt. Tôi lại có quan điểm khác, chúng ta không nên "xóa sổ" mà cần nghiêm túc, khẩn cấp chấn chỉnh hoạt động của hội.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bởi nhà trường, gia đình và xã hội đã tạo thành thế ba chân kiềng vững chắc trong việc ươm mầm, uốn nắn đức - trí - lực cho thế hệ trẻ. Bỏ hội phụ huynh cũng đồng nghĩa với việc một "chân kiềng" lung lay tận gốc!

Sẽ thiếu người đứng đầu

Khi xóa sổ hội phụ huynh học sinh, tiếng nói đại diện cho đại đa số phụ huynh mất đi, những người đi tiên phong hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường không còn. Điều đó đồng nghĩa với việc "con ai nấy lo", "mạnh ai nấy chạy", "sức ai nấy đua".

Một tập thể phụ huynh từ vài trăm người đến cả nghìn người cùng cất lên tiếng nói khó tìm được sự đồng điệu nếu thiếu vai trò hướng dẫn, chỉ đạo của một số người đứng đầu.  

Ngay một công việc nhỏ, nếu thiếu người sắp đặt, lên kế hoạch, phân công công việc cũng sẽ khó hoàn thành tốt nhất. 

Hội phụ huynh biến tướng, lạm thu, trở thành "cánh tay nối dài" của hiệu trưởng và là nơi an toàn nhất để ban giám hiệu nhà trường "đá" quả bóng trách nhiệm là một thực tế nhức nhối. Nhưng nó chỉ tồn tại ở một số địa phương, một số trường học. 

Còn lại là phần lớn hội phụ huynh học sinh vẫn đang miệt mài góp sức cho sự nghiệp giáo dục một cách thầm lặng, đầy trách nhiệm. 

Tại trường tôi, trước mỗi kỳ họp phụ huynh đầu năm, thầy hiệu trưởng đều định hướng cho lớp bầu chọn ban đại diện. Đó sẽ là 3 đến 5 người cư trú ở các địa bàn thôn xóm khác nhau và gắn luôn trách nhiệm phụ trách địa phương. 

Hễ lớp có học sinh nào có nguy cơ bỏ học là chỉ cần liên hệ với người nằm trong hội của địa phương đó. Và chính hội phụ huynh phối hợp với giáo viên chủ nhiệm đi vận động học sinh đến lớp.

Tôi nhớ năm đó có một "ca" vận động rất khó khăn. Đó là một em học sinh nữ lớp 9 bỏ học vào đầu học kỳ hai. Sức học của em chỉ vào loại trung bình và em yêu khá sớm. Tôi cùng với một phụ huynh nữ trong ban đại diện đến nhà vận động nhưng không ăn thua.

Chị phụ huynh ấy sau đó nhiều lần sang nhà tỉ tê, trò chuyện, khuyên nhủ cô bé ấy trở lại lớp. Còn tôi cũng dặn dò học trò trong lớp không trêu đùa mà nên chia sẻ với bạn. Mọi người trong ban đại diện thì góp ý với phụ huynh cùng thôn trong việc uốn nắn thái độ, hành vi của con em. 

Cô bé ấy đã tiếp tục đến lớp, công đầu chính là nhờ vai trò phối hợp và trách nhiệm của hội phụ huynh lớp.

Những người "vác tù và hàng tổng"

Khi trở thành phụ huynh và tham gia hội, tôi và mọi người thường cười bảo nhau: Mệt mà vui với việc "vác tù và hàng tổng". Bất kỳ hoạt động nào của trường mầm non đều huy động sự giúp sức của hội phụ huynh. 

Nào là khai giảng, trung thu, tổng kết, ngày hội vận động, ngày hội an toàn giao thông, tham quan du lịch… chúng tôi đều tranh thủ, thậm chí sắp xếp đổi buổi dạy để tham gia, hỗ trợ các cô trông cháu, lo hậu cần, vệ sinh… 

Không hề có tư lợi, không hề có phần thưởng, lời khen tặng, cảm ơn nào từ các phụ huynh khác, nhưng đổi lại là niềm hạnh phúc được hòa mình vào với nụ cười, niềm vui của con trẻ.

Chúng tôi tham gia góp ý với ban giám hiệu nhà trường về các khoản đóng góp rất tích cực chứ chẳng phải như những "con cừu" ngoan ngoãn mà mọi người vơ đũa cả nắm. 

Mới đây thôi, nhà trường đề xuất tăng khoản tiền quỹ cha mẹ học sinh từ 20.000 đồng mỗi tháng lên 30.000 đồng và thu một lần vào tháng 9. 

Giữa cuộc họp, rất nhiều người trong hội đề nghị giữa nguyên mức thu năm học trước và cách thu từng tháng như cũ nhằm giảm gánh nặng cho phụ huynh. Ý kiến ấy được tất cả mọi người thông qua làm chúng tôi nhẹ cả lòng.

Thế đó, vai trò của hội phụ huynh học sinh rất quan trọng đối với nhà trường phổ thông hiện nay. Vấn đề là khi hội phụ huynh liên quan đến chuyện vận động, quyên góp, hỗ trợ tiền bạc thì ngay lập tức gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực, đàm tiếu. 

Điều ấy cũng dễ hiểu bởi "đồng tiền đi liền khúc ruột", dư luận bức xúc bởi trên danh nghĩa là quỹ hoạt động của hội nhưng nhà trường lại "thu hộ", "giữ hộ", "chi hộ" và "tất toán hộ". 

Sự không minh bạch trong thu chi, sự mập mờ trong công khai các loại quỹ vô hình trung đẩy nỗi bức xúc của dư luận lên cao. 

Đã đến lúc cần chấn chỉnh một cách nghiêm túc hoạt động của hội, quy định một cách rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ hoạt động của từng thành viên trong ban đại diện, nghiêm cấm việc lấy danh nghĩa hội để vận động quyên góp. 

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ