Bỏ học đi làm, trẻ em Pakistan muốn đổi đời

GD&TĐ - Đối với các gia đình phải vật lộn kiếm sống qua ngày tại Pakistan, việc học hành trở nên khó khăn.

Em Tahir Abbas làm thêm tại một xưởng cơ khí gần nhà.
Em Tahir Abbas làm thêm tại một xưởng cơ khí gần nhà.

Một số phụ huynh quyết định gửi con đi làm thay vì đi học. Em Tahir Abbas, sống tại Pakistan, đang làm việc trong một xưởng cơ khí. Cha em nói rằng công việc này quan trọng hơn đi học nhưng Abbas còn quá nhỏ để nhận ra sự khác biệt.

Tahir Abbas chia sẻ: “Điều kiện gia đình em vốn không tốt, hơn nữa, cha bảo em rằng việc học hành chẳng thu được lợi gì. Tốt nhất là em nên đi học nghề. Vì vậy, mỗi buổi sáng, em đến làm việc trong một xưởng cơ khí gần nhà và học hỏi kinh nghiệm từ ông chủ xưởng”.

Mỗi sáng, Abbas cùng vài đứa trẻ khác trạc tuổi em sẽ đứng xem ông chủ làm việc như thế nào, thực hành sau đó nghỉ tay ăn trưa, rồi buổi chiều lại tiếp tục công việc ban sáng. Đến cuối ngày, các em được trả tiền dựa theo khối lượng công việc đã hoàn thành trong ngày. Abbas mang số tiền này về gửi mẹ.

“Chúng tôi đã yêu cầu các nhà máy, nhà xưởng không tuyển dụng lao động trẻ em nhưng cần hiểu rằng, thực tế rất khác. Trừ khi đất nước có thể xóa bỏ đói nghèo, nếu không sẽ không thể chấm dứt tình trạng lao động trẻ em”, bà Shamim Mumtaz chia sẻ.

Câu chuyện của Abbas cũng là tình trạng chung trong các gia đình nghèo khó ở Pakistan. Thay vì đến trường, phụ huynh muốn con đi làm kiếm tiền để phụ giúp gia đình.

Anh Muhammad Nasir, cha của hai đứa trẻ đã bỏ học đi làm thêm, cho biết: “Tôi muốn hai con trai được đi học nhưng tôi không đủ khả năng. Giáo dục và mọi thứ liên quan đến giáo dục đều rất đắt đỏ. Làm thế nào tôi có thể cho con cái học hành đến nơi đến chốn?”.

Sau khi học việc tại xưởng cơ khí, Abbas nhận thấy cha đã nói đúng. Cậu bé chia sẻ: “Em không thích đi học mà muốn học nghề. Em thích công việc này và đó là lý do tại sao em vẫn đang làm điều đó. Em quyết định sẽ làm việc thật tốt, trở thành người giỏi trong lĩnh vực này”.

Anh Sadiq Ali, chủ xưởng cơ khí nơi Abbas làm việc trước đây cũng là một đứa trẻ học việc. Sau nhiều năm tháng phấn đấu, đến nay, Sadiq đã thu về những thành quả nhất định.

Anh kể: “Rất nhiều trẻ em Pakistan quanh đây bắt đầu từ việc đi làm thuê và giờ chúng đã có cửa hàng riêng trong khu chợ này. Tôi cũng bắt đầu từ học việc. Bây giờ, mọi người có thể thấy tôi đã sở hữu cửa hàng riêng của mình. Những đứa trẻ tìm đến tôi học hỏi đều muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Pakistan đã cố gắng ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em, vốn ngày một gia tăng nhưng gặp phải nhiều khó khăn, trong đó có các vấn đề liên quan đến luật hiện hành.

Bà Shamim Mumtaz, cựu Bộ trưởng Bảo vệ Trẻ em, nhìn nhận nghèo đói khiến các gia đình Pakistan phải cho con thôi học và đi làm từ rất sớm. Cựu Bộ trưởng lấy ví dụ, nếu chính quyền phát hiện một đứa trẻ đi làm thêm, cha mẹ em có thể bị phạt tiền rất nặng.

Nhưng số tiền phạt này sẽ không bao giờ được đóng vì những gia đình có con đi làm thêm là gia đình nghèo. Tiền ăn mỗi ngày với họ đã là gánh nặng nên không thể đóng tiền phạt.

Do đó, bà Shamim kiến nghị Chính phủ Pakistan thay đổi luật về lao động trẻ em nhằm đẩy lùi tình trạng trên.

Về phía các gia đình nghèo, họ mong muốn Chính phủ Pakistan sẽ có những hỗ trợ cần thiết. “Tôi hy vọng chính phủ sẽ xem xét hoàn cảnh của chúng tôi và tạo điều kiện cho con em chúng tôi được đi học. Chúng đều là công dân Pakistan”, anh Muhammad Nasir bày tỏ.

Theo DW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.