Bỏ hay giữ xét tuyển học bạ?

GD&TĐ - Ngày càng nhiều trường đại học không sử dụng phương thức xét học bạ THPT trong phương án tuyển sinh, do cho rằng kết quả này không đáng tin cậy.

Thí sinh tham dự Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Ảnh: INT
Thí sinh tham dự Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Ảnh: INT

Nhiều trường bỏ xét học bạ

Theo đề án tuyển sinh năm 2024 được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố mới đây, nhà trường tuyển 6.200 chỉ tiêu với 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu; xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT là 18%; 80% chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường.

Với phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, nhà trường chia thí sinh thành 2 nhóm, rút gọn so với 5 nhóm của năm 2023. Trong đó, nhóm 1 là những thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm bài thi SAT hoặc ACT; điểm thi đánh giá năng lực (HSA và APT) của Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM; điểm thi đánh giá tư duy (TSA) của Đại học Bách khoa Hà Nội; hoặc kết hợp điểm chứng chỉ tiếng Anh với một trong ba loại điểm thi nói trên. Chỉ tiêu dành cho nhóm này là 50%. Nhóm 2 là những thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, chiếm 30% chỉ tiêu.

Như vậy, so với những năm trước, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân không còn sử dụng điểm học tập THPT (điểm học bạ) để xét tuyển. Điều này tạo được sự chú ý với nhiều chuyên gia tuyển sinh, trong bối cảnh các trường đại học dần công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2024. Bởi trong nhiều phương thức xét tuyển các trường đại học sử dụng, xét học bạ là phương thức chiếm tỷ trọng lớn bên cạnh xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng, điểm thi đánh giá năng lực.

Tương tự, nhiều trường khác không sử dụng phương thức xét học bạ trong năm 2024. Trường Đại học Luật TPHCM sử dụng 2 phương thức: Tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm, chiếm 45%/tổng chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, chiếm 55% tổng chỉ tiêu.

Trường Đại học Nha Trang định hướng từ năm 2025 sẽ xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và đánh giá năng lực học tập đại học. Trong đó, với kết quả học tập ở THPT, ở mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo, thí sinh phải từng học ở bậc THPT một số môn nhất định theo quy định của trường. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hằng năm. Tức là, nhà trường không phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả xét học bạ THPT.

PGS.TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo đại học (Trường Đại học Nha Trang) cho rằng, nhiều trường không sử dụng kết quả xét học bạ vì kết quả học tập THPT, đặc biệt lớp 12 có sự khác biệt trong đánh giá giữa mỗi giáo viên, trường, khu vực, vùng miền. Do đó, nếu sử dụng kết quả này xét tuyển chung vào một trường đại học sẽ không tạo ra sự công bằng, đồng thời không đảm bảo chất lượng đầu vào. Về lâu dài, các trường sẽ tìm phương thức tuyển sinh phù hợp để thay thế.

Nhiều chuyên gia khác cùng quan điểm với đại diện Trường Đại học Nha Trang khi cho rằng, cách đánh giá học sinh ở bậc phổ thông chưa đồng đều, có độ “vênh” nhất định giữa các địa phương, khu vực. Chưa kể, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở nhiều trường THPT khá cao, nếu xét học bạ vào đại học sẽ không đảm bảo sự chính xác, công bằng và không đảm bảo chất lượng đầu vào.

Học sinh tham gia Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ngày 14/1. Ảnh: Tiên Lê

Học sinh tham gia Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ngày 14/1. Ảnh: Tiên Lê

Bỏ hay giữ?

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, nhiều năm qua, đơn vị này có khảo sát kết quả học tập của sinh viên qua các phương thức tuyển sinh. Trong đó, điểm chuẩn phương thức học bạ (cả năm lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12) từ 22 - 27 điểm và điểm chuẩn xét điểm thi tốt nghiệp THPT 18 - 25 điểm.

Theo đó, thí sinh xét bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ tốt nghiệp tương đương thí sinh xét bằng phương thức học bạ. Xếp loại tốt nghiệp của 2 nhóm sinh viên trên trong giai đoạn 2019 - 2023 cũng khá tương đồng. Cụ thể, với sinh viên có đầu vào bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp xuất sắc là 0,21%; giỏi 6,56; khá 69,24%; trung bình 23,98. Với sinh viên được xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT, tỷ lệ trên lần lượt là xuất sắc 0,24%; giỏi 5,44%; khá 65,12%; trung bình 29,2%.

“Đây là bằng chứng cho thấy kết quả xét tuyển bằng học bạ THPT cũng tương tự như xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ở Trường Đại học Công Thương. Ở các trường khác, kết quả đối sánh này có thể khác. Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh đến vai trò của quá trình học tập ở trường của sinh viên, sự chăm sóc người học, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cho đào tạo của nhà trường”, ông Phạm Thái Sơn nói.

TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, việc các trường đại học tốp trên, nhất là trường đào tạo chuyên ngành đặc thù bỏ phương thức xét học bạ là điều dễ hiểu. Bởi ở những trường, ngành này, tính cạnh tranh rất cao. Phương thức xét học bạ không đủ sức để sàng lọc, tuyển chọn sinh viên giỏi cho các trường.

Cũng theo TS Phương, nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT công bố các số liệu đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ THPT cho thấy, điểm trung bình học bạ của học sinh luôn cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, ở một số tỉnh, thành, khu vực, sự chênh lệch này rất lớn. Điều này đặt ra những lo ngại của các trường đại học về việc thầy cô “nương tay” khi cho điểm trong quá trình học tập, thi cử ở trường phổ thông.

Tuy nhiên, TS Phương không phủ nhận giá trị của kết quả học bạ, đồng thời không phản bác nếu các trường đại học sử dụng phương thức này để tuyển sinh. Theo ông, nếu loại trừ được những việc như “nương tay” cho điểm, dễ dãi trong đánh giá bậc THPT, kết quả học bạ cũng là thước đo đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách tương đối. Các trường đại học, tùy theo yêu cầu tuyển sinh, có thể sử dụng để xét tuyển.

Về lâu dài, chuyên gia này cho rằng, các trường đại học sẽ tìm kiếm các phương án tuyển sinh riêng, phù hợp điều kiện thực tế. Trong đó, xu hướng hình thành các mạng lưới tuyển sinh, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực sẽ phổ biến trong tương lai gần.

Nhiều trường đại học tốp trên vẫn sử dụng kết quả học bạ THPT để xét tuyển, song có những điều kiện đi kèm chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào. Chẳng hạn, các trường đại học thành viên Đại học Quốc gia TPHCM sử dụng điểm học bạ ở phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TPHCM, nhưng học sinh phải xếp học lực giỏi ở các trường THPT chuyên, năng khiếu, thực hành sư phạm hoặc trong danh sách trường THPT do đại học này công bố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ