Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.
Đối với vốn đầu tư dự án, Bộ GTVT đề xuất tăng khoảng 1.439 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Như vậy, tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.209,7 tỉ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn dự án cũng có sự thay đổi, trong đó vốn vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) hơn 4.460 tỉ đồng và vốn đối ứng gần 1.750 tỉ đồng.
Theo Bộ GTVT, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là do chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 353 tỷ đồng, được cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế; chi phí xây dựng tăng khoảng 788 tỷ đồng do cập nhật khối lượng và đơn giá, định mức.
Ngoài ra, chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng khoảng 80 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng khoảng 218 tỷ đồng tương ứng cũng dẫn đến tăng chi phí xây dựng của dự án.
Được biết, đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng qua, Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến cao tốc trục ngang Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối tháng 12/2021, với tổng mức đầu hơn 4.770 tỷ đồng. Trong đó, vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - EDCF khoảng hơn 3.677 tỷ đồng, vốn đối ứng khoảng hơn 1.093 tỷ đồng.
Vị trí tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh trong lý trình kết nối với tuyến N2 và đường Hồ Chí Minh. (Nguồn: Ban quản lý dự án Mỹ Thuận) |
Với tổng chiều dài hơn 27km, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh được thiết kế quy mô 4 làn xe, đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.
Điểm đầu kết nối với tuyến N2 tại lý trình Km 96+875 (lý trình N2) thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại nút giao (điểm đầu cầu Cao Lãnh), thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Dự án được chia thành 2 dự án thành phần do Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Trong đó, dự án thành phần 1 dài 16km qua địa phận tỉnh Đồng Tháp, với quy mô 4 làn xe.
Dự án thành phần 2 đi qua địa phận Đồng Tháp và Tiền Giang, dài hơn 11km.
Sau khi hoàn thành, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 sẽ để kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông; hoàn thiện, kết nối tuyến N2, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Đồng thời, dự án được đầu tư nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các tỉnh Long An, Đồng Tháp nói riêng.
Hiện chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã đề xuất điều chỉnh sử dụng vốn đối ứng và lựa chọn nhà thầu trong nước để thực hiện chi phí khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu nhằm rút ngắn tiến độ triển khai khoảng 10-12 tháng.
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đường cao tốc và triển khai vốn ODA vùng Đồng bằng sông Cửu Long đầu tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong tháng 7/2023.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn ngân sách trung ương và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ đối với phần vốn tăng thêm cho dự án, theo quy định của pháp luật.