Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về Danh mục thống kê các ngành đào tạo trình độ đại học

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Thông tư Quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo dự thảo, Thông tư này quy định về Danh mục thống kê ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (gọi tắt là Danh mục) và nguyên tắc xây dựng, cập nhật Danh mục.

Việc sử dụng Danh mục nhằm phân loại, thống kê, phát triển các ngành và chương trình đào tạo trong giáo dục đại học. Đồng thời, căn cứ để xây dựng và thực hiện các quy định về mở ngành, tuyển sinh, liên thông trong đào tạo, công nhận văn bằng trong giáo dục đại học.

Dự thảo thông tư cũng quy định về việc bổ sung ngành mới vào Danh mục. Cụ thể Điều 6 của văn bản này có nêu: Một ngành đào tạo mới có thể hình thành trên cơ sở tách ra từ một ngành hoặc lai ghép một số ngành theo yêu cầu phát triển của khoa học, công nghệ và thực tiễn nghề nghiệp; được bổ sung vào một nhóm ngành cụ thể trong Danh mục khi đáp ứng các điều kiện như sau:

Có sự khác biệt đủ lớn về kiến thức và kỹ năng chuyên môn so với các ngành đã có, khi so sánh với sự khác biệt giữa các ngành hiện có thuộc nhóm ngành trong Danh mục;

Được liệt kê ở tối thiểu tại hai bảng phân loại các chương trình và ngành đào tạo thông dụng trên thế giới (trừ các ngành chỉ đào tạo ở Việt Nam hoặc các ngành liên quan đến an ninh, quốc phòng);

Đã được phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá và kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng chương trình tại ít nhất 3 cơ sở đào tạo trong nước và được các cơ sở đào tạo đó cùng đề xuất bổ sung vào Danh mục.  

Dự thảo cũng quy định việc đổi tên, chuyển vị trí ngành trong Danh mục

Cụ thể, một ngành trong Danh mục được đổi tên hoặc chuyển vị trí khi đáp ứng các điều kiện sau: Tên mới, vị trí mới được thuyết minh phù hợp hơn hẳn với tên, vị trí hiện tại theo quy định về phân loại, sắp xếp tại Điều 5 của Thông tư này;

Có sự không phù hợp giữa tên gọi hoặc vị trí của ngành trong Danh mục hiện tại khi đối sánh với ít nhất hai bảng phân loại các chương trình và ngành đào tạo thông dụng trên thế giới (trừ các ngành chỉ đào tạo ở Việt Nam hoặc các ngành đặc thù liên quan đến an ninh, quốc phòng);

Việc đổi tên, chuyển vị trí phù hợp với xu thế phát triển của ngành đào tạo, được ít nhất 2/3 số cơ sở đào tạo ngành này ở Việt Nam đồng thuận đề xuất.

Căn cứ đề xuất của các cơ sở đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng tư vấn theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này để xem xét, trên cơ sở đó ban hành quyết định đổi tên, chuyển vị trí ngành trong Danh mục.

Một ngành khi đổi tên phải được giữ nguyên mã ngành và hiệu lực áp dụng. Một ngành được chuyển vị trí trong Danh mục sẽ được gán một mã ngành mới phù hợp với lĩnh vực, nhóm ngành mới và phải được ghi rõ thời gian có hiệu lực áp dụng; mã ngành cũ không được xóa khỏi Danh mục nhưng sẽ hết hiệu lực áp dụng kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi.

>>>>>>> Xem chi tiết tại đây

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ