Quy chế đào tạo trình độ đại học: Bước tiến mới

GD&TĐ - Theo đánh giá của chuyên gia, Quy chế đào tạo trình độ đại học vừa được Bộ GD&ĐT ban hành có nhiều quy định mới, với bước tiến quan trọng.

Quy chế đào tạo trình độ đại học theo hướng có lợi cho người học. Ảnh: Internet
Quy chế đào tạo trình độ đại học theo hướng có lợi cho người học. Ảnh: Internet

Các quy định theo hướng có lợi cho người học và phát huy quyền tự chủ của cơ sở đào tạo.

Quy định “mở”

TS Phùng Xuân Dũng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội cho biết: Kế thừa ưu điểm của các quy chế khác, Quy chế đào tạo trình độ đại học giải quyết nhiều vướng mắc từ thực tiễn. Chẳng hạn, quy định về công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ. Quy định này theo hướng mở, có lợi cho thí sinh.

“Theo đó, kết quả học tập của người học đã tích lũy từ trình độ đào tạo, một ngành đào tạo hay chương trình đào tạo, khóa học hoặc từ cơ sở đào tạo khác được cơ sở đào tạo xem xét công nhận, chuyển đổi sang tín chỉ của những học phần trong chương trình đào tạo theo học.

Hội đồng chuyên môn của cơ sở đào tạo xem xét công nhận, chuyển đổi tín chỉ trên cơ sở đối sánh chuẩn đầu ra, nội dung và khối lượng học tập, cách thức đánh giá học phần và điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình theo các cấp độ: Công nhận, chuyển đổi theo từng học phần; Công nhận, chuyển đổi theo từng nhóm học phần; Công nhận, chuyển đổi theo cả chương trình đào tạo” - TS Phùng Xuân Dũng viện dẫn, đồng thời khẳng định: Các quy định trong Quy chế đã tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cơ sở giáo dục đại học; khắc phục tình trạng mỗi trường hiểu và triển khai khác nhau.

Ghi nhận điểm nhấn của Quy chế đào tạo trình độ đại học là hướng đến quyền lợi của người học, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) nhấn mạnh: Quy chế này mở ra cơ hội chuyển ngành, chuyển trường cho sinh viên. Tuy nhiên, không phải chuyển một cách tùy tiện.

Cụ thể, sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, ngành đào tạo khác, hoặc một phân hiệu khác của cơ sở đào tạo khi có đủ các điều kiện theo quy định. Ngoài ra, sinh viên được xem xét chuyển từ hình thức chính quy sang vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa của cơ sở đào tạo nếu còn đủ thời gian học tập theo quy định với hình thức chuyển đến. 

Quy chế đào tạo trình độ đại học với nhiều bước tiến mới. Ảnh: Internet
Quy chế đào tạo trình độ đại học với nhiều bước tiến mới. Ảnh: Internet

Bước tiến quan trọng

Tán thành với quy định: Sinh viên được xem xét chuyển ngành, trường, chuyển nơi học, ngoại trừ sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối, PGS.TS Bùi Đức Triệu phân tích: Đến năm thứ hai, các em mới thực sự đủ độ chín để xác định ngành học phù hợp nhất với bản thân.

Điều này còn bảo đảm quyền lợi của các em, vì năm thứ nhất sinh viên chủ yếu học các môn đại cương, ngành có sự tương đồng. Do đó, việc học tập ở ngành mới, trường mới từ năm thứ hai sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.

“Quy chế đã hướng đến quyền lợi của người học. Sinh viên muốn chuyển phải đáp ứng điều kiện bắt buộc là đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo cùng khóa tuyển sinh tại nơi chuyển đến” – PGS Bùi Đức Triệu lưu ý.

Cho rằng, Quy chế có nhiều điểm mới, với những bước tiến quan trọng, TS Trương Đại Lượng – Trưởng phòng Đào tạo quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường ĐH Văn hoá Hà Nội) trao đổi, các quy định không chỉ lợi cho người học, mà còn “gõ khó” cho cơ sở đào tạo; đồng thời tạo điều kiện để các trường phát huy quyền tự chủ.

TS Trương Đại Lượng tâm đắc với quy định về hoạt động trao đổi sinh viên. Theo đó, các cơ sở đào tạo có thể xây dựng và ban hành quy định về việc công nhận lẫn nhau về quy trình, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ.

Đây căn cứ cho phép sinh viên của cơ sở đào tạo này được học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác và ngược lại. Trong hợp tác đào tạo giữa các cơ sở đào tạo, việc đánh giá và công nhận số lượng tín chỉ lẫn nhau mà sinh viên tích lũy tại cơ sở phối hợp đào tạo khác không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.

Quy chế đào tạo trình độ đại học quy định chung về tổ chức và quản lý đào tạo trình độ đại học. Quy chế này là căn cứ để cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành các văn bản quy định cụ thể, bao gồm tổ chức đào tạo trình độ đại học và các ngành chuyên sâu đặc thù quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ. Bộ GD&ĐT cũng sắp ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (sửa đổi, bổ sung). Bộ đang xây dựng chuẩn chương trình đào tạo. Cùng với Quy chế đào tạo trình độ đại học, tất cả văn bản này liên thông với nhau, tạo thành hệ thống văn bản chặt chẽ thống nhất và phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, cũng như lộ trình tự chủ đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ