Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã quyết định cho thành lập Phân viện Đại học Huế tại Quảng Trị. Đây có thể xem là việc làm tri ân mảnh đất vốn gánh đau thương trong chiến tranh và đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Tại Hội nghị, ông Hà Sỹ Đồng - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - báo cáo một số nội dung chương trình kì họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Các cử tri bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Nhiều cử tri mong muốn các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa việc đầu tư cơ sở vật chất cho những trường trên địa bàn xã bởi hiện nay trường lớp xuống cấp nghiêm trọng, các phòng chức năng tại các trường thiếu phòng, thiếu cơ sở vật chất phục vụ giáo dục.
Thầy Đinh Anh Công - Hiệu trưởng Trường Phổ thông bán trú Hướng Phùng - bày tỏ ý kiến về việc cắt chế độ của các em học sinh theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP.
Hiện tại, điều kiện đến trường của các em đã quá khó khăn, việc cắt giảm chế độ cho học sinh vùng biên giới gây nên những thiệt thòi nhất định cho các em.
Các giáo viên và cán bộ quản lý của Trường Phổ thông bán trú Hướng Phùng cũng thắc mắc việc các giáo viên được hưởng chế độ 0,3 nhưng một số cán bộ không trực tiếp giảng dạy, cụ thể là nhân viên văn phòng... lại không được hưởng. Theo ý kiến của các cử tri, đây là điều không hợp lý bởi cùng công tác trong một môi trường đặc thù như nhau nhưng chế độ khác nhau.
Cô Bùi Thị Phú - Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hướng Phùng, cử tri xã Hướng Phùng - đề đạt: Thời gian làm việc đối với giáo viên chủ nhiệm ở vùng miền núi khó khăn tại xã Hướng Phùng nói riêng và cả nước nói chung đang còn bất cập.
Hiện theo quy định thì mỗi giáo viên làm công tác chủ nhiệm 4 tiết/tuần. Ở vùng đồng bằng, với số lượng tiết như thế có thể hợp lý nhưng đối với vùng khó khăn như Hướng Phùng thì rất khó.
Khó ở việc vận động học sinh, làm công tác chế độ chính sách cho học sinh, phụ đạo học sinh yếu... phải dành nhiều thời gian cho công tác chủ nhiệm. Nên chăng Bộ tăng thêm tiết làm công tác chủ nhiệm cho giáo viên ở miền núi?
Một số cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét bố trí giáo viên cho miền núi để đảm bảo số giáo viên đứng lớp cho học sinh vùng khó. Hiện tại, theo quy định một lớp học 45 học sinh, song ở vùng sâu vùng xa như Hướng Hóa lượng học sinh một lớp cao rất nhiều so với thực tế.
Ghi nhận các ý kiến, đóng góp, đề xuất tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng thời giải đáp chi tiết từng vấn đề cử tri nêu lên.
Bộ trưởng khẳng định: Nhiều vấn đề cử tri quan tâm hoàn toàn có cơ sở. Chẳng hạn như Nghị định 49/2010/NĐ-CP hiện đang còn một số vướng mắc. Hiện Bộ GD&ĐT đang tiến hành trình các Bộ/ngành liên quan về một số vấn đề còn tồn tại để kịp thời giải quyết.
Bộ GD&ĐT cũng đang nghiên cứu và có những đề xuất đối với các Bộ/ngành khác xem xét hỗ trợ thêm kinh phí cho giáo viên vùng sâu vùng xa, nâng cao chất lượng đời sống của giáo viên ngày càng tốt hơn.
Bộ trưởng chân tình trao đổi: Đối với địa bàn tỉnh Quảng Trị, Bộ GD&ĐT rất quan tâm và chia sẻ. Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã quyết định cho thành lập Phân viện Đại học Huế tại Quảng Trị.
Đây có thể xem là việc làm tri ân mảnh đất vốn gánh đau thương trong chiến tranh và đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Việc thành lập Phân viện Đại học Huế tại Quảng Trị nhằm tạo điều kiện cho con em Quảng Trị có điều kiện thuận lợi học tập tốt hơn và có thể nâng cao dân trí so với các địa phương khác.
Kết thúc buổi tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ những khó khăn mà cử tri tại Quảng Trị đang gặp phải, đặc biệt là ngành Giáo dục.
Bộ trưởng động viên ngành Giáo dục Quảng Trị cố gắng vượt qua khó khăn. Bộ GD&ĐT đã, đang và sẽ luôn quan tâm đến giáo dục vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi nói chung và giáo dục Quảng Trị nói riêng.