Bộ GD&ĐT tổng kết công tác pháp chế năm 2024

GD&TĐ - Sáng 26/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác pháp chế năm 2024 của Bộ GD&ĐT, chuyên đề xây dựng pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết công tác pháp chế năm 2024 của Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết công tác pháp chế năm 2024 của Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GD&ĐT và đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.

Văn bản quy phạm pháp luật kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Hội nghị là dịp để Bộ GD&ĐT nhìn nhận, rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện công tác pháp chế, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT trong năm 2024. Trên cơ sở đó thống nhất đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm 2025, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xây dựng thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Xác định công tác xây dựng Luật và công tác soạn thảo, ban hành, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của đơn vị, Thứ trưởng đánh giá, việc xây dựng Chương trình soạn thảo văn bản dựa trên kết quả rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế.

z6167696578712-34280ed1df372634212f3d3e42221899.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế, trong năm 2024, Bộ GD&ĐT phải ban hành và trình ban hành tổng số 85 văn bản. Văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do Bộ GD&ĐT ban hành tuân thủ các quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình điều hành của Bộ và luôn được lãnh đạo Bộ quan tâm, sát sao, tích cực chỉ đạo.

Cụ thể, các văn bản bảo đảm tính pháp lý và phù hợp với hiến pháp, luật pháp; phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược; chuyên môn hóa trong soạn thảo. Các dự thảo văn bản thường được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ và của Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức tham gia. Quy trình này giúp tăng cường sự minh bạch, công khai, đồng thời hạn chế những sai sót, bất cập trong nội dung văn bản. Các văn bản QPPL được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề thực tiễn, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng giai đoạn.

vu-truong-mai-thi-anh.jpg
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh báo cáo tại hội nghị.

Năm 2024, Bộ GD&ĐTcũng đã triển khai công tác rà soát văn bản QPPL. Kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản có tác động tích cực đến công tác xây dựng kế hoạch soạn thảo văn bản hằng năm của Bộ GD&ĐT.

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản đã được Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo các đơn vị quan tâm và được tiến hành thường xuyên, liên tục khi có căn cứ rà soát; đã thực hiện việc tổ chức tập huấn đối với cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.

z6167696565784-c9a620deffcc0ef24fc9f5bd89caf05e.jpg
Các ý kiến trao đổi tại hội nghị cùng nhìn nhận kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và giải pháp cho thời gian tiếp theo.

Cần đánh giá tác động việc ban hành, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật

Tại hội thảo, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã cùng nhìn nhận tình hình hiện tại; chia sẻ kinh nghiệm trong soạn thảo văn bản QPPL; chỉ ra những điểm cần cải thiện và kiến nghị, giải đáp vướng mắc để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá, dù công tác pháp chế đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, công việc nhiều, phức tạp, nhưng nhiều đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã thực hiện tốt và cần tiếp tục phát huy.

Thứ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo công tác soạn thảo văn bản và chịu trách nhiệm về chất lượng, thời gian trình dự án, dự thảo. Khi soạn thảo văn bản, đơn vị chủ trì cần bám sát tiến độ xây dựng văn bản; chủ động phối hợp, đôn đốc các đơn vị, cơ quan có liên quan đảm bảo thời gian góp ý, thẩm định văn bản.

Đồng thời, cần rà soát kĩ lại các quy định về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính, phát hiện những vấn đề vướng mắc, chồng chéo, tham mưu lãnh đạo Bộ đề xuất, sửa đổi…

Khi xây dựng mới văn bản, sửa đổi, bổ sung cần tổ chức đánh giá tác động của việc soạn thảo, ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật để có kế hoạch soạn thảo, sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời.

Tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài Bộ để đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo văn bản, đặc biệt là các văn bản chậm tiến độ để xử lý dứt điểm tình trạng nợ, đọng văn bản.

Đồng thời, quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương trong xây dựng thể chế; bố trí kinh phí kịp thời cho công tác soạn thảo, ban hành văn bản; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ