Cụ thể: Cùng đánh giá thực tiễn và chất lượng giáo dục; cùng bàn giải pháp đổi mới; cùng tổ chức một số hoạt động; cùng chăm lo đời sống đội ngũ nhà giáo đương chức và nghỉ hưu.
Thông báo kết luận nêu rõ, Hội Cựu giáo chức Việt Nam là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người trước đây là nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong tất cả các trường học, các cơ sở và cơ quan giáo GD-ĐT.
Được thành lập ngày 9/4/2004, đến nay, Hội đã phát triển rộng khắp tại 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 462 huyện, 6.851 xã phường, 42 trường đại học.
Trong thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn (các hội viên đều có tuổi cao, kinh phí hoạt động hạn hẹp), được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, Hội đã tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa như:
Đoàn kết, giúp đỡ nhau giữ vững phẩm chất đạo đức nhà giáo, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho hội viên; đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất góp phần xây dựng chính sách phát triển giáo dục đất nước; tích cực hoạt động xã hội trên địa bàn dân cư, nêu tấm gương sáng của người thầy để con cháu, học sinh noi theo.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của Hội trong thời gian qua và mong muốn Hội tiếp tục hoạt động tích cực, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, năng lực trí tuệ và phẩm chất tốt đẹp của Nhà giáo, góp phần thực hiện chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo phục vụ nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”; thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục quan tâm để Hội có điều kiện hoạt động tốt hơn, thiết thực, hiệu quả hơn; có cơ chế thích hợp để lắng nghe được nhiều hơn các ý kiến đóng góp của Hội cho ngành giáo dục.
Về kiến nghị của Hội trợ cấp một lần cho nhà giáo chuyển sang làm cán bộ quản lý giáo dục, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đánh giá tổng thể vấn đề này; đề xuất, bổ sung vào Đề án cải cách chính sách tiền lương của Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) vào năm 2018.
Về quan tâm phát triển giáo dục, Nhà nước đã dành 20% tổng chi ngân sách hàng năm cho giáo dục và đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút thêm nguồn lực, nhất là ở những vùng có điều kiện; đồng thời tiếp tục giữ ổn định tổng mức đầu tư của Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo.
Trong thời gian tới, việc coi giáo dục là quốc sách hàng đầu sẽ tiếp tục được triển khai cụ thể hơn, quyết liệt hơn, đẩy nhanh việc đổi mới căn bản, toàn diện, hội nhập quốc tế của giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.