GS.VS Phạm Minh Hạc: “Đổi mới giáo dục bắt đầu từ yếu tố con người”

GD&TĐ - Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi đến thăm Giáo sư - Viện sĩ (GS.VS) Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Câu chuyện của chúng tôi với GS Phạm Minh Hạc sôi nổi về những vấn đề thời sự của giáo dục. Từ chuyện dạy thêm, học thêm, trường chuyên, lớp chọn đến chuyện xét tuyển, thi cử... Trên hết, đó là kỳ vọng của ông vào sự phát triển của giáo dục nước nhà.

GS.VS Phạm Minh Hạc: “Đổi mới giáo dục bắt đầu từ yếu tố con người”

Có thầy giáo giỏi, sẽ có học trò giỏi

Điều mong muốn nhất của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà hiện nay, là giáo dục toàn diện tạo ra giá trị của con người, đóng góp vào giá trị chung xã hội. Những người dạy học phải có trách nhiệm xã hội, phải yêu nghề, mến trẻ, người đi dạy học không chỉ vì đồng lương mà phải vì cái tâm với nghề, luôn sáng tạo, hoàn thiện mình để chung sức vì sự phát triển của toàn Ngành.

GS Phạm Minh Hạc nhớ lại thời còn đi học, trước năm 1945, ông học 5 năm ở trường Pháp, sau năm 1945 ông thất lạc gia đình, phải nghỉ học 3 năm để đi làm khi mới 11 tuổi. Hàng ngày cứ khoảng 7 - 8 giờ tối, ông lại cuốc bộ suốt đêm sang xã khác với chiếc máy chữ đeo ở hông đi đánh máy thuê hoặc vừa dịch vừa đánh máy.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông học tại Trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền, Quân khu 3. Giải phóng Thủ đô, ông trở về Hà Nội học ĐH Văn khoa. Sau 1 năm học, ông được chọn là 1 trong 4 sinh viên của trường được đào tạo tại Liên Xô, ông học ngành Tâm lý giáo dục. Từ khi trở về từ nước ngoài, sau bao năm cống hiến, giờ ngoảnh đầu nhìn lại, ông bảo thế hệ ông đã làm hết mình, đó cũng là trách nhiệm đối với đất nước.

Một kỷ niệm thường được GS kể lại là năm 1990, ông đề xuất với Chính phủ bản kế hoạch 10 năm phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Sau 10 năm, ngày 26/12/2000, khi không còn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông được Chính phủ giao trách nhiệm công bố với cả nước và thế giới việc thực hiện phổ cập; Việt Nam đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ và phổ cập tiểu học.

Trong thời gian hoạt động tại Tổ chức Hỗ trợ phát triển Giáo dục - Văn hoá - Y tế (HEDO), cùng với những chuyến công tác miền núi, ông luôn tâm niệm ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, phải thực sự coi đầu tư vào giáo dục như kiên cố hóa tất cả các trường lớp, lo đủ sách vở, thậm chí cả quần áo rét cho học sinh miền núi, là biện pháp số một để thực hiện phát triển văn hóa giáo dục, xóa đói giảm nghèo.

GS Phạm Minh Hạc cho biết: Điểm xuất phát của “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” phải bắt đầu từ yếu tố con người, từ đội ngũ giáo viên - đó là khâu đột phá. Có con người tốt sẽ có xã hội tốt. Có thầy giáo giỏi, uyên thâm kiến thức, luôn đổi mới - sáng tạo sẽ có học trò giỏi.

Như con tằm tiếp tục nhả tơ

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, GS.VS. TSKH Phạm Minh Hạc vẫn theo đuổi con đường nghiên cứu cho sự nghiệp trồng người. Hiếm thấy nhà khoa học nào vừa hoàn thành tốt công tác lãnh đạo, quản lý, vừa nghiên cứu khoa học lại có những quan tâm sâu sắc về xã hội như ông. Và hôm nay ông vẫn như con tằm đang tiếp tục nhả tơ để cống hiến cho nền khoa học Việt Nam.

GS Phạm Minh Hạc cho biết, kể từ năm 2010, mỗi năm ông viết một cuốn sách, chủ yếu là giáo trình giảng dạy trong các trường đại học: Tâm lý học đại cương, Giá trị học, Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam…

Từng là người đứng đầu ngành Giáo dục trong nhiều năm, GS Phạm Minh Hạc đến bây giờ vẫn rất quan tâm đến những bước đi của giáo dục nước nhà. Sắp tới đây, Hội Cựu giáo chức sẽ xuất bản cuốn sách “72 năm giáo dục Việt Nam” do GS Phạm Minh Hạc và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ biên.

“72 năm giáo dục Việt Nam là một sự kiện đáng ghi nhớ, là một thành tựu to lớn” - GS Phạm Minh Hạc cho biết. Trước cách mạng, dân mình 95% mù chữ, đến nay chúng ta có hơn 22 triệu người học, điều đó rất đáng tự hào. Cuốn sách là tập hợp trí tuệ và tấm lòng của những người hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Trong cuốn sách, dành khoảng 150 - 200 trang nói về diện mạo của nền giáo dục Việt Nam và 63 tỉnh, thành đều có bài viết khoảng 5 - 7 trang về diện mạo của giáo dục tỉnh nhà.

Trong xu thế hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, thời gian tới, Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức. Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, đất nước ta muốn phát triển và đổi mới thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức hội nhập quốc tế. Để làm được điều này, chúng ta phải giữ vững và phát huy những thành quả đổi mới giáo dục trong sự đổi mới chung của đất nước. Song song với đó là chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong giáo dục để công bằng hơn cho người học.

Chia tay GS.VS Phạm Minh Hạc, chúng tôi cảm nhận được tâm huyết, kỳ vọng của người từng đứng đầu ngành Giáo dục trong nhiều năm. Ông vẫn luôn theo dõi dòng chảy của giáo dục với mong muốn lớn nhất là làm thế nào để giáo dục Việt Nam phát triển và cùng hội nhập với bạn bè quốc tế.

GS.VS Phạm Minh Hạc: “Đổi mới giáo dục bắt đầu từ yếu tố con người” ảnh 1GS.VS Phạm Minh Hạc
 
“Điểm xuất phát của Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT phải bắt đầu từ yếu tố con người, từ đội ngũ giáo viên - đó là khâu đột phá. Có con người tốt sẽ có xã hội tốt. Có thầy giáo giỏi, uyên thâm kiến thức, luôn đổi mới - sáng tạo sẽ có học trò giỏi”

GS.VS Phạm Minh Hạc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.