Bộ GD&ĐT sẽ quy định cụ thể về công tác xã hội trong trường học

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư dướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo dự thảo, mục đích của công tác xã hội trong trường học nhằm hỗ trợ học sinh nâng cao kiến thức và kỹ năng để tự giải quyểt các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng và phát huy tiềm năng để thành công trong học tập và cuộc sống. Hạn chế học sinh bị xâm hại, bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.

Đồng thời hướng dẫn cha mẹ học sinh tham gia cùng nhà trường trong việc giáo dục học sinh, tăng cường kỹ năng hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng học sinh. Hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong trường học nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng xử phi bạo lực.

Mặt khác, huy động nguồn lực từ cộng đồng tham gia, phối hợp cùng nhà trường trong công tác giáo dục học sinh.

Nguyên tắc thực hiện công tác xã hội trong trường học là: Giữ bí mật các thông tin cá nhân của học sinh, chỉ chia sẻ thông tin với những cá nhân liên quan trong trường họp cần thiết và có sự đồng ý của người được hỗ trợ.

Tôn trọng các đặc điểm riêng biệt về bản thân, hoàn cảnh cá nhân, quan điểm, giá trị, niềm tin và quyền tự quyết của học sinh, nhân phẩm của học sinh, đặt học sinh vào vị trí trung tâm của các hoạt động trợ giúp.

Lắng nghe ý kiến của học sinh và tạo cơ hội để học sinh tham gia tối đa vào việc thảo luận các giải pháp cho những vấn đề của mình.

Bảo đảm mọi quyết định được đưa ra đều có sự cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích tốt nhất của học sinh song không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Bảo đảm mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng, khách quan giữa học sinh và những người liên quan trên cơ sở công việc, không vì cảm xúc, tình cảm cá nhân.

Dự thảo thông tư cũng quy định nội dung công tác xã hội trong trường học bao gồm: Phát hiện các nguy cơ trong và ngoài nhà trường có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh; các vụ việc liên quan đến học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.

Đồng thời tổ chức các hoạt động phòng ngừa hạn chế nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật đối với học sinh. Thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, bỏ học, bị bạo lực, xâm hại, vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng, thực hiện việc can thiệp, trợ giúp đối với các học sinh cần can thiệp trợ giúp khẩn cấp, hoặc các học sinh, giáo viên có nhu cầu. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ học sinh hòa nhập cộng đồng sau can thiệp hoặc các học sinh, giáo viên, phụ huynh có nhu cầu.

>>>> XEM DỰ THẢO THÔNG TƯ TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ