Tại sao lại về thế này?
Người thân đau đớn, câu hỏi nghẹn lại khi các chiến sĩ di quan, đưa thi hài hai phi công Khuất Mạnh Trí và Phạm Giang Nam lên xe rời nhà tang lễ Quân khu IV.
Linh cữu lặng im, phủ lá cờ Tổ quốc, những vòng hoa trắng xót xa. Chẳng ai có thể trả lời, câu hỏi chìm trong tiếng nấc. Người về trong hai tiếng liệt sỹ.
Lễ viếng và truy điệu 2 phi công Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam |
Hai con của liệt sỹ Phạm Giang Nam còn quá nhỏ để hiểu hết nỗi mất mát to lớn này. Gương mặt như thiên thần, ngơ ngác trong lễ tang.
Một bé 4 tuổi, 1 bé 2 tuổi. Được người thân bế trên tay, bé trai nhìn theo linh cữu bố, vô thức đưa tay ra với theo. Mọi người xung quanh không cầm nổi nước mắt.
Hai bên đường, bà con đứng thành hàng dài lặng lẽ. Các bà, các mẹ tiến lại, xin một cái nắm tay, một cái ôm thật chặt hai đứa trẻ, khẽ gọi: Con ơi! Trong lúc này, chẳng biết làm gì, chẳng biết nói gì để có thể chia sẻ, động viên và bù đắp phần nào nỗi đau chưa kịp định hình ấy.
Cháu bé đưa tay ra với theo, chưa nhận thức được nỗi đau quá lớn |
Người dân đã đến từ rất sớm chờ tiễn đưa. Mang theo bó hoa, nén nhang, kính cẩn cúi mình bên hai người phi công mà họ chỉ vừa mới biết đến cách đây hai hôm thôi. Biết đến trong dòng tin tức nghe trên báo đài, ngay trong dịp ngày Thương binh, liệt sỹ, đất nước lại nhận thêm 2 sự hi sinh của 2 sỹ quan phi công kỳ cựu.
Nhưng với bà con, với nhân dân Việt Nam các chiến sĩ quân đội đều là con, là cháu, là người thân trong nhà. Bởi bao nhiêu đời qua, luôn là các anh, những chiến sĩ quân đội đã đang và sẽ dùng cả cuộc đời binh nghiệp của mình để bảo vệ Tổ quốc, giữ vững vùng trời, vùng biển, chủ quyền lãnh thổ dân tộc, để bảo vệ nhân dân, đất nước… Từ những năm tháng còn chiến tranh bom đạn, cho đến khi hòa bình về lại trên bầu trời, hôm nay vẫn còn sự hi sinh.
Đó là nỗi đau chung, là yêu thương hiện hữu, là sự gắn bó, sẻ chia hiển nhiên không bao giờ khác được của tất thảy chúng ta trên dải đất hình chữ S này. Và chính là lòng dân, không thể nào công minh hơn, rõ ràng hơn để khắc sâu, tri ân và mãi mãi ghi nhớ công lao các anh.
“Chào bà con, chúng tôi đưa các anh về”
Những bông hoa lan đã nở rồi đấy, đợi anh, phi công Khuất Mạnh Trí trở về. Ngôi nhà có mẹ già, có vợ con, có các em. Cha của anh từng là người lính, là cựu tù Côn Đảo. Anh lớn lên thiếu vắng bóng cha suốt quãng thời thơ ấu, nhưng niềm tự hào về cha, và ước mơ đứng vào quân ngũ từ ấy mà lớn dần lên.
Đồng đội di quan hai phi công lên xe đưa về Hà Nội |
Phi công Phạm Giang Nam cũng là con nhà binh. Năm 16 tuổi vào trường thiếu sinh quân huấn luyện. Từ năm 1991 cho đến giờ mang trên mình bộ quân phục màu xanh da trời.
Mỗi chuyến bay, trước khi lao vút lên bầu trời, các anh đều gọi điện về nhà, để vợ con yên tâm đợi tin. Không xa đâu, bố sẽ sớm về với các con, dù bay cao đến mấy làm sao có thể nào rời xa, bỏ lại mặt đất được chứ!
Vậy mà chuyến bay hôm ấy, các anh đã không kịp về như lời hứa hẹn.
11 giờ 16 phút, ngày 26/7, máy bay Su-22, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa).
Chuyến bay thực hiện huấn luyện, có lẽ cũng như bao lần bay khác, trong hơn 20 năm quân ngũ của cả hai người phi công, trong 1.130 giờ 37 phút của Thượng tá Khuất Minh trí và trong 1.178 giờ 32 phút của Đại tá Phạm Giang Nam.
Bầu trời Tổ quốc như đã gắn bó, là lẽ sống, lý tưởng cuộc đời của hai người lính. Nhưng cái ngày định mệnh hôm đấy, chỉ 19 phút bay, 11 giờ 35 phút cùng ngày, thì máy bay mất liên lạc. Và quá nhanh sau đó, thông tin máy bay rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An được xác nhận. Hai phi công đã hi sinh.
Dù cho bao đồng đội, bao người thân, đã ngước lên bầu trời kia, khẩn thiết cầu nguyện một phép màu nào đó.
Bà con dõi theo đoàn xe tang |
Tại nhà tang lễ Quân khu IV, tất cả mọi người đều ở đây rồi: Là đồng chí, đồng đội, là gia đình thân yêu từ Hà Nội, từ Thái Bình và đông đảo bà con đón và đưa tiễn các anh về nhà.
Có cả những người lính già lặn lội từ xa đến, đôi mắt mờ đục rưng rưng: Chiến tranh đã kết thúc rồi mà! Cựu binh Lê Văn Tý từng chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị nghẹn ngào: “Đã từng vào sinh ra tử, đã từng ở giữa lằn ranh sống chế, đối diện với đồng đội ngã xuống năm xưa, nhưng sự hi sinh của 2 phi công hôm nay xót xa quá. Tôi xin được gọi là đồng chí, tiễn đưa 2 anh ấy một đoạn đường”.
Chào bà con! Cảm ơn bà con, chúng tôi đưa các anh về! |
Tiếng súng hiệu lệnh lên! Xe chuyển bánh, đưa các anh về với đất mẹ, với gia đình quê hương máu mủ. Người thân của hai phi công kéo cửa kính, vừa khóc, vừa đưa tay chào: Chào bà con, cảm ơn bà con nhiều lắm, gia đình chúng tôi xin đưa hai anh về!
Một chút nắng vàng lóe lên sau mấy ngày mưa gió. Bầu trời xanh lại, vẫn bình yên đến thế!