Theo ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (GDCT và CTHSSV)-Bộ GD&ĐT, vai trò của công tác tư vấn tâm lý học đường trong trường phổ thông là vô cùng quan trọng, góp phần giúp các em không chỉ khỏe về thể chất mà từng bước hoàn thành về nhân cách, có đạo đức, lối sống lành mạnh, có kỹ năng sống, cách ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội.
Từ đó, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Đại biểu dự tập huấn |
Có thể thấy, trên thực tế, tuy tình trạng bạo lực học đường giảm, nhưng vẫn còn những hiện tượng cá biệt ở một vài địa phương bạo lực học đường có tính chất nghiêm trọng hơn, nó ảnh hưởng đến chất, tinh thần lâu dài đối với học sinh… Ngoài ra một số học sinh đang phải đối mặt với hiện tượng trầm cảm, có các hành vi tiêu cực trong cuộc sống, có thể bị sang chấn tâm lý…
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có những giải pháp quan trọng, các thầy cô giáo, nhà trường cần có cơ chế quản lý, nắm bắt, lắng nghe được các tâm tư, tình cảm, khó khăn của học sinh của minh và tư vấn cách giải quyết kịp thời; để làm điều đó, việc bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông cũng rất quan trọng.
Và giải pháp tổng thể triển khai nhiệm vụ này, Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà trường triển khai công tác này.
Nhằm giúp các địa phương triển khai cụ thể, có hiệu quả Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT tại các cơ sở trường học, Vụ GDCT và CTHSSV đã tổ chức triển khai tập huấn công tác này cho 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Nội dung của buổi tập huấn tập trung vào: Hướng dẫn triển khai thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho cho đội ngũ lãnh đạo quản lý để chỉ đạo công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông (Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT).
Bên cạnh đó, trang bị cho đội ngũ các nhà lãnh đạo quản lý, các cán bộ, giáo viên cốt cán các trường phổ thông những kiến thức cơ bản về công tác tư vấn tâm lý và kỹ năng tư vấn tâm lý cơ bản. Từ đó đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường trong học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với người học.
Đồng thời, các đại biểu sẽ tiến hành chia sẻ về thực hành tâm lý học đường cho học sinh, giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.
Cụ thể, trong sáng 28/7, các đại biểu đã được lắng nghe những chia sẻ của chuyên gia của Cơ quan liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) về tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý học đường trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giỏi học đường.
TS Phùng Khắc Bình chia sẻ chuyên đề |
Đồng thời được lắng nghe chuyên đề Tổ chức thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông của TS Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ GDCTHSS, Bộ GD&ĐT; chuyên đề Hoạt động tư vấn tấm lý học đường của PGS. TS Nguyễn Đức Sơn, Trưởng Khoa Tâm lý GD, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Chiều cùng ngày các đại biểu sẽ tham gia thảo luận, trao đổi về kinh nghiệm cũng như chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường tại địa phương.