Bộ GD&ĐT lưu ý tổ chức thực hiện chương trình lớp 6, lớp 7 mới

GD&TĐ - Trong văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT lưu ý cụ thể về tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, 7.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Lưu ý với môn Lịch sử và Địa lí

Chương trình môn Lịch sử và Địa lí bao gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí. Mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lí và nội dung Địa lí tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.

Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.

Nhà trường, phòng Giáo dục và Đào tạo, sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.

Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, mỗi phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kì. Đối với các chủ đề chung ở lớp 7, hiệu trưởng phân công giáo viên có năng lực chuyên môn phù hợp để dạy học chủ đề chung.

Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng bao gồm nội dung phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí theo tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của mỗi phân môn và chủ đề chung đến thời điểm kiểm tra, đánh giá. Giáo viên được phân công dạy học chủ đề chung, chịu trách nhiệm việc kiểm tra, đánh giá chủ đề chung (gồm đánh giá thường xuyên và định kì).

Lưu ý với môn Khoa học tự nhiên

Chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.

Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.

Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường.

Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Bộ GD&ĐT lưu ý tổ chức thực hiện chương trình lớp 6, lớp 7 mới ảnh 1

Lưu ý về Nội dung giáo dục của địa phương

Nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương. Căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực của giáo viên.

Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.

Giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Lưu ý về Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

Chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bao gồm các nội dung hoạt động được tổ chức trong và ngoài nhà trường với các hình thức hoạt động Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ. Căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, hiệu trưởng phân công cán bộ quản lí, giáo viên đảm nhận việc tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp với năng lực của cán bộ quản lí, giáo viên.

Kế hoạch tổ chức các hoạt động được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường; tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động trong và ngoài nhà trường.

Cán bộ quản lí, giáo viên được phân công tổ chức hoạt động nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với hoạt động đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các hoạt động đã thực hiện đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Bộ GD&ĐT lưu ý tổ chức thực hiện chương trình lớp 6, lớp 7 mới ảnh 2

Lưu ý các môn: Tin học, Ngoại ngữ 1, Nghệ thuật

Với môn Tin học và Ngoại ngữ 1: Tổ chức dạy học môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với những học sinh có khả năng học tập và phù hợp với điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường.

Đối với các trường chưa thực hiện dạy môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếp tục thực hiện môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, trong đó lưu ý tăng cường các nội dung bổ trợ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để chuẩn bị cho học sinh học các môn học này theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông.

Với môn Nghệ thuật: Chương trình môn Nghệ thuật gồm 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật. Việc tổ chức dạy học cần lưu ý bố trí dạy học đồng thời các nội dung bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kỳ.

Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch giáo dục của giáo viên.

Việc kiểm tra, đánh giá: mỗi nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật chọn 1 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì; khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, sản phẩm học tập hoặc dự án học tập.

Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm hai nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả hai nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.