Bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên theo Chương trình mới: Dài hơi và liên tục

GD&TĐ - Ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm, chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cho chương trình mới. Đến nay, việc bồi dưỡng đại trà đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT.

Một tiết học môn Tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Bần Yên Nhân số 1, tỉnh Hưng Yên.
Một tiết học môn Tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Bần Yên Nhân số 1, tỉnh Hưng Yên.

Bồi dưỡng dài hơi và liên tục

Việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 (CTGDPT2018) tại tỉnh Hưng Yên thời gian qua đạt kết quả tương đối khả quan. Ngành giáo dục đảm bảo 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy CTGDPT tham gia bồi dưỡng đầy đủ.

Đối với cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán đã hoàn thành bồi dưỡng các mô đun 1,2,3,4,5,9. Trong khi cán bộ quản lý, giáo viên đại trà hoàn thành bồi dưỡng các mô đun 1,2,3,4,5. 100% giáo viên, cán bộ quản lý cấp mầm non, phổ thông được tham gia tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, tập trung.

Có được kết quả này nhờ sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT địa phương cùng sự tham gia chủ động, tích cực của cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn.

Theo bà Đào Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Giang, do có sự chuẩn bị kỹ càng, dài hơi trong nhiều năm nên quá trình triển khai CTGDPT 2018 đối với lớp 1,2,6 diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.

Từ năm học 2016-2017, Phòng GD&ĐT huyện Văn Giang đã thành lập ban chỉ đạo về sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học cấp huyện. Mỗi trường được giao nhiệm vụ dạy học theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh và tổ chức cho giáo viên dạy học trực tiếp. Giáo viên toàn huyện sẽ dự giờ tiết học. Hiệu trưởng, giáo viên cốt cán điều hành, phân tích và thảo luận về tính hiệu quả của hoạt động trên để các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên được thực hành và thảo luận về công tác bồi dưỡng, tập huấn cho CTGDPT2018.

Trong điều kiện dịch bệnh, huyện Văn Giang vẫn tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học qua hình thức trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams. Công tác này dựa trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ khó khăn vất vả lẫn ưu nhược điểm khi ứng dụng phần mềm vào dạy học CTGDPT2018.

Cô giáo Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, thành phố Hưng Yên, cho biết: Nhà trường đã triển khai CTGDPT2018 từng bước, trong đó giáo viên tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT. Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu thầy cô tự bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giảng dạy; khuyến khích thầy cô tham gia công tác lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo tính công khai, công bằng, minh bạch. Nhà trường cũng trưng cầu ý kiến của giáo viên trong việc lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Học kỳ I năm học 2021-2022, việc triển khai CT GDPT2018 tại Trường THCS Lê Lợi còn một số khó khăn nhưng nhà trường đã chủ động tháo gỡ vướng mắc. Theo đó, tại môn Khoa học Tự nhiên, nhà trường phân công giáo viên dạy theo tổ hợp Lý - Hoá - Sinh và chủ động kế hoạch giảng dạy sao cho phù hợp với chương trình học và nhận thức của học sinh. Giáo viên được phân công chuyên môn phù hợp với trình độ, có sự học hỏi và tự học hỏi để thích ứng linh hoạt với điều kiện dạy học trong bối cảnh dịch bệnh.

Trên đà này, nhà trường đang tập huấn và tạo nguồn nhân lực để chuẩn bị thay sách giáo khoa lớp 7; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung của chương trình mới.

Học sinh chủ động chiếm lĩnh tri thức khi học theo chương trình mới.
Học sinh chủ động chiếm lĩnh tri thức khi học theo chương trình mới.

Thầy cô nỗ lực, học sinh chủ động

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bần Yên Nhân số 1, thị xã Mỹ Hào, bày tỏ: Từ đầu năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 được đến trường theo mô hình học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Vì vậy, thầy cô có thể triển khai dạy học trực tiếp theo chương trình mới, trong đó có sự điều chỉnh, quan tâm kỹ lưỡng đến học sinh phù hợp với thực tế. Đến nay, học sinh lớp 1 đã tự tin giao tiếp, chủ động hơn trong việc học và làm việc nhóm. Nhiều em có thái độ học tập tích cực, chăm chỉ.

Còn học sinh lớp 2, nhờ đã có một năm học theo chương trình mới, nên các em đã hình thành sự tự tin, chủ động nhất định. Giáo viên tiếp tục khơi gợi, dẫn dắt các em hoàn thiện năng lực, phẩm chất.

Trong triển khai chương trình mới cho học sinh lớp 6, thầy giáo Nguyễn Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Khoái Châu, cho biết: Học sinh lớp 6 mới chuyển cấp, còn nhiều bỡ ngỡ và chưa quen với phương pháp dạy học ở cấp 2. Nhiều em còn chểnh mảng với việc học. Do đó, vừa dạy học theo chương trình bồi dưỡng, tập huấn của các cấp, giáo viên cũng linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động học tập chủ động, tích cực.

Cụ thể, giáo viên lồng ghép trò chơi, video thí nghiệm khoa học, tư liệu lịch sử, địa lý… vào bài học; tích cực tổ chức thực hành, thí nghiệm trong giảng dạy. Để kiểm tra bài cũ, giáo viên xây dựng trò chơi câu đố, trò chơi trắc nghiệm.

“Trải nghiệm học tập của học sinh là một trong những quan tâm hàng đầu của giáo viên khi triển khai CT GDPT2018. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất còn hạn chế, nhà trường từng bước đầu tư, vận động các nguồn lực; giáo viên sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh trải nghiệm tốt nhất chương trình phổ thông mới”, thầy Thanh bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ