Đặc biệt, trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, Bộ trưởng đề nghị các phóng viên phản ánh đa chiều, khách quan, trung thực trên tinh thần xây dựng.
"Bộ GD&ĐT luôn cầu thị và sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến từ các cơ quan báo chí để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
"Các đồng chí đã phối hợp cùng chúng tôi phát hiện, tuyên truyền những tấm gương tốt, những việc làm đúng, những nhân tố tích cực, phê phán những việc làm chưa tốt xảy ra trong ngành Giáo dục.
Đó là sự cổ vũ, động viên quý giá đối với thầy và trò, đối với những người làm công tác quản lý giáo dục. Báo chí trong năm qua đã thực hiện tốt vai trò phản biện, giúp cho chúng tôi kịp thời điều chỉnh một số chủ trương, giải pháp để có hiệu quả tốt hơn" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, Giáo dục là ngành đặc thù với sự tác động rộng khắp tới gần như toàn xã hội. Một trẻ em đi học sẽ có thêm bố mẹ, ông bà, họ hàng… cùng tham gia vào chuỗi giá trị giáo dục.
Một đổi mới của ngành Giáo dục sẽ mang theo những hy vọng và cả âu lo. Một sai sót của ngành Giáo dục sẽ trở thành đề tài rất "nóng" trên báo chí và trong dư luận xã hội.
Đối với một ngành mà mọi thông tin đều dễ dàng trở nên “nhạy cảm” như Giáo dục thì sự sẻ chia, đồng thuận và đồng hành của các cơ quan báo chí sẽ giúp cho Ngành có được những điều chỉnh, thay đổi kịp thời phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khẳng định: Quan điểm của Bộ GD&ĐT là cởi mở với báo chí, thông qua báo chí để xã hội nhìn nhận rõ hơn những trăn trở, nỗ lực của ngành.
Mong các nhà báo sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, động viên, góp ý kiến với Ngành, giúp cho sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thời gian tới, từ Bộ đến các Sở, các cơ sở giáo dục sẽ có nhiều hơn những cuộc gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn với báo chí. Ngành Giáo dục cũng sẽ thực hiện phân cấp công tác truyền thông để nâng cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò của cấp cơ sở trong quá trình đồng hành cùng báo chí.