Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật GD (sửa đổi), ban hành quy chế phát ngôn

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí... là các sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua.

Cục Nhà giáo và Cán bộ QLGD - Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật GD sửa đổi, tại Trường ĐH Vinh
Cục Nhà giáo và Cán bộ QLGD - Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật GD sửa đổi, tại Trường ĐH Vinh

Nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho Luật GD

Việc Bộ GD&ĐT có kế hoạch và tiến hành lấy ý kiến toàn dân cho dự thảo Luật GD sửa đổi thể hiện sự cầu thị, lắng nghe và quyết liệt điều chỉnh chính sách vĩ mô.

Việc trưng cầu dân ý toàn diện đã thu hút sự quan tâm, theo dõi, đóng góp ý kiến sôi nổi của các tầng lớp nhân dân, thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề, không chỉ riêng những người làm công tác giáo dục, đào tạo.

Nhiều ý kiến đồng tình với những sửa đổi kịp thời, phù hợp với hơi thở cuộc sống và sự phát triển của đời sống giáo dục hiện nay.

Dành những ý kiến tâm huyết, góp ý cho dự thảo Luật GD, TS. Vũ Thu Hương nhận định: "Toàn xã hội nói chung và những người làm giáo dục nói riêng luôn đặc biệt quan tâm đến các chính sách vĩ mô về giáo dục. Việc điều chỉnh luật trong giai đoạn này là cần thiết để phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của giáo dục hiện đại."

Trong tuần qua, Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cũng đã tổng hợp góp ý từ các Sở GD&ĐT trên toàn quốc về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo tổng hợp này, đã có 51 Sở GD&ĐT có ý kiến với số lượng 790.868 phiếu.

Có 31 nội dung được lấy ý kiến. Tham gia góp ý gồm cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nhà giáo, cha mẹ học sinh và người học. Số lượng đồng ý với từng nội dung tỷ lệ thấp nhất là 96,5%.

Các góp ý phủ rộng tới tất cả các nội dung của Luật GD. Trong đó, vấn đề được quan tâm hơn cả phải kế đến các quy định về chính sách đổi với nhà giáo, vấn đề về “Triết lý giáo dục”,… Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến góp ý về nội dung chương trình GDPT, SGK trong luật, vấn đề trường chuyên,chính sách cử tuyển và học phí cũng được dư luận đặc biệt lưu ý.

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; thay thế quy chế ban hành kèm quyết định số 832/QĐ-BGDĐT năm 2011.

Theo quy chế này, người phát ngôn và cung cấp thông tin chính thức cho báo chí của Bộ GD&ĐT gồm: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; một Thứ trưởng được Bộ trưởng giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí (người phát ngôn).

Bộ trưởng ủy quyền cho Thứ trưởng phát ngôn theo lĩnh vực được phân công phụ trách; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phát ngôn theo lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị (người được ủy quyền phát ngôn).

Người được ủy quyền phát ngôn phối hợp với người phát ngôn trong quá trình phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về nội dung thông tin.

Theo đó, người đứng đầu của Vụ, Cục, Viện quản lý về các lĩnh vực liên quan đến quản lý của đơn vị mình, được yêu cầu sẽ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Quy chế phát ngôn mới cũng nêu rõ, khi cần Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ chỉ định Thủ trưởng thuộc một đơn vị liên quan phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Bộ trưởng ủy quyền cho các Thứ trưởng và Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Trong trường hợp cần phải làm rõ, giải trình thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Thứ trưởng và Thủ trưởng đơn vị được giao cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm chính và phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý kịp thời.

Cũng theo quy chế mới, định kỳ 3 tháng, Bộ GD&ĐT tổ chức 1 buổi họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí, hoặc tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản/ thông tin trực tiếp tại các cuộc giao ban hàng tuần do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành giáo dục
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành giáo dục

Hội nghị tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ GD&ĐT

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo: Tiếp tục thực hiện tốt 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp của ngành.

Để thực hiện các nhiệm vụ, Bộ trưởng đề nghị các Vụ, Cục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, cải cách hành chính, trong đó tập trung vào công tác pháp chế, trước mắt là 2 luật: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục sửa đổi.

Thứ hai, tăng cường năng lực của cán bộ quản lý từ Bộ GD&ĐT cho đến Sở GD&ĐT và đến các nhà trường. Đối với các trường đại học, cần tập trung vào kỹ năng quản trị nhà trường, tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư cho giáo dục, tạo cơ chế tài chính cho các trường đại học. Ngoài ra, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.

Thứ tư, tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng các kỳ thi nói chung trên tinh thần thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch và chất lượng.

Thứ năm là chủ động đẩy mạnh truyền thông giáo dục.

Diễn dàn GD Việt Nam đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT

Tiền thân là cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT do Bộ GD&ĐT phối hợp với công ty Microsoft Việt Nam tổ chức từ năm 2014, với mục tiêu thúc đẩy, phát huy tính đổi mới sáng tạo trong việc quản lí, dạy học thông qua ứng dụng CNTT có hiệu quả; Tăng cường nâng cao năng lực cho giáo viên, tạo ra cơ hội để các giáo viên công bố sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp trong ứng dụng CNTT.

Diễn đàn cũng đóng góp những điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới nhằm chia sẻ, phổ biến tri thức tới cộng đồng một cách thuận tiện.

Nhiều trường ĐH công bố hình thức xét tuyển mới

Nhiều trường ĐH khẳng định tiếp tục sử dụng kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển.

ĐHQG Hà Nội xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia và chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn quốc tế. ĐHQG TPHCM xét tuyển kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và tăng tỷ lệ xét tuyển theo hình thức này. Nhiều trường đại học thông báo xét tuyển đại học từ kết quả Kỳ thi THPT quốc gia với tỷ lệ chỉ tiêu lớn. Đã có một số trường đưa ra phương án tuyển sinh mới.

Trong các phương án xét tuyển năm 2019 được một số trường công bố, nhìn chung các trường vẫn nghiêng về các phương thức: Xét tuyển theo kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển từ kết quả học tập THPT.

Ở phía Nam, một số trường bổ sung phương án xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM.

Việc khẳng định sẽ sử dụng kết quả xét tuyển từ Kỳ thi THPT quốc gia cho thấy các trường hoàn toàn tin tưởng vào kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ