1.Cần phân biệt rõ Triết lý giáo dục và mục tiêu giáo dục. Nếu mục tiêu giáo dục chỉ là đường hướng đi phù hợp với thời điểm hiện tại và có ảnh hưởng tức thì hoặc sau vài năm thì triết lý giáo dục là kim chỉ nam, là hướng đi lâu dài mà chỉ thực sự phát huy tác dụng sau hàng trăm năm.
Với một triết lý giáo dục cơ bản và cụ thể, đặc tính người dân trên toàn quốc sẽ được định hướng rõ ràng và tạo ra nét đặc trưng tính cách.
Ví dụ: Đất nước Nhật Bản đi theo triết lý cống hiến nên người dân cả nước đều mong muốn cống hiến.
Việt Nam đang rất cần một triết lý giáo dục xuyên suốt. Nghị quyết số 29-TW/NQ và Điều 61 - Hiến pháp 2013 chỉ phù hợp là mục tiêu giáo dục trong thời đại hiện nay. Chúng ta cần tìm một triết lý giáo dục phù hợp cho đất nước để định hướng phát triển lâu dài.
2. Chế độ cử tuyển chưa hợp lý: Với con em đồng bào dân tộc thiểu số, nếu các em có nhu cầu học tập lên cao, nhất thiết phải có sự hỗ trợ vì điều kiện sống của các em còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các em hầu hết khó khăn về kinh tế.
Việc đặt chế độ cộng điểm cho đối tượng cử tuyển là không hợp lý vì các em sẽ vào nhập học cùng với các bạn có trình độ cao hơn, dẫn đến việc học tập khó khăn. Điều đó sẽ khiến các em khó mà hoàn thành được việc học tập. Chúng ta nên chuyển chế độ hỗ trợ cử tuyển từ việc cộng điểm sang hỗ trợ kinh tế.
3. Trong luật giáo dục, giáo viên được quy định về chính sách lương và các phụ cấp cũng như được quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự. Tuy nhiên, việc quy định chung chung sẽ không có giá trị bảo vệ nhà giáo.
Hơn nữa, thời gian gần đây, các vụ việc hành hung nhà giáo xảy ra ở rất nhiều nơi. Vì thế, luật Giáo dục nên bổ sung quy định bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe của nhà giáo.
4. Luật giáo dục đã quy định việc bồi dưỡng, nâng cao tay nghề nhà giáo. Tuy nhiên, việc đánh giá giáo viên chưa có quy định cụ thể. Như vậy, việc đánh giá giáo viên vẫn thực hiện theo phương án cũ. Tức là việc đánh giá giáo viên sẽ tiến hành dựa trên thành tích của học sinh. Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng của bệnh thành tích đang phổ biến trong giáo dục Việt Nam hiện nay.
5. Luật Giáo dục đã quy định việc kiểm định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, kết quả kiểm định chưa được gắn với chế độ khen thưởng kỉ luật.
Việc kiểm định chất lượng giáo dục nên thực hiện tới từng giáo viên và chuyển thành điều kiện đánh giá giáo viên. Như vậy, vấn nạn hình thức và thành tích trong giáo dục sẽ sớm được giải quyết.
TS. Vũ Thu Hương |
6. Trường chuyên được quy định là nơi học tập cho các học sinh ưu tú, có thành tích học tập tốt. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng học thêm tràn lan để học sinh tìm kiếm kết quả học tập tốt.
Ngoài ra, hiện trạng học tập thiên lệch, chỉ chú trọng vào môn học chuyên ở tại các cơ sở này cũng là một vấn đề cần giải quyết. Nên chăng chúng ta cân nhắc xóa bỏ hệ thống giáo dục chuyên để học sinh được phát triển toàn diện hơn.
7. Điều 103 của luật Giáo dục quy định các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Theo đó, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý về chuyên môn giáo dục, Bộ Lao động thương binh và Xã hội quản lý về giáo dục nghề nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý các khoản đầu tư, các kế hoạch phát triển giáo dục, Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và quản lý biên chế công chức, Bộ Tài chính quản lý về vấn đề tài chính….
Chính việc quản lý chồng chéo đã dẫn đến nhiều hệ lụy gặp phải thời gian gần đây. Nên chăng, việc quản lý nên chuyển về một mối với các quy định rõ ràng để đạt hiệu quả và tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
8.Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH và CĐ nên có sự phân tách rõ ràng. Các trường ĐH và CĐ cần được tạo điều kiện để tự chủ tuyển sinh theo nhu cầu và điều kiện của chính trường mình.
Việc thi tốt nghiệp THPT cần tiến hành minh bạch và công bằng hơn để tránh các hậu quả đã gặp phải như kì thi tốt nghiệp THPT năm 2018.