Gộp các quy định về chương trình, sách giáo khoa vào 1 điều
Phương án 1 được GS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra là gộp các quy định về chương trình, sách giáo khoa vào 1 điều, cụ thể như sau:
“Điều 30. Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa
1. Chương trình giáo dục phổ thông
a) Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định những yêu cầu cần đạt được về phẩm chất và năng lực đối với học sinh sau mỗi cấp học, những nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước; phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.
b) Chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện thống nhất trong cả nước, đồng thời dành thời lượng cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ sung những nội dung giáo dục về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương.
c) Cơ sở giáo dục chủ động vận dụng chương trình giáo dục phổ thông và nội dung giáo dục của địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.
2. Sách giáo khoa
a) Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức đánh giá chất lượng giáo dục. Sách giáo khoa gồm sách in, sách chữ nổi, sách điện tử và học liệu. Nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội.
b) Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập trên cơ sở ý kiến của giáo viên, có tham khảo ý kiến học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.
c) Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng cấp tỉnh thẩm định và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
3. Thực nghiệm, thẩm định, ban hành chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa và tài liệu giáo dục của địa phương
a) Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa và tài liệu giáo dục của địa phương phải được thực nghiệm trước khi thẩm định, ban hành.
b) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, hội đồng quốc gia thẩm sách giáo khoa; việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông; chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; quy định việc thực nghiệm một số nội dung, phương pháp giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông.
c) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; ban hành chương trình giáo dục phổ thông, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục của địa phương để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
d) Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.”
GS Nguyễn Minh Thuyết |
Tách quy định về chương trình, sách giáo khoa thành những điều riêng
Phương án 2 GS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra là tách quy định về chương trình, SGK thành những điều riêng, cụ thể như sau:
“Điều 30. Chương trình giáo dục phổ thông
1. Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định những yêu cầu cần đạt được về phẩm chất và năng lực đối với học sinh sau mỗi cấp học, những nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước; phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.
2. Chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện thống nhất trong cả nước, đồng thời dành thời lượng cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ sung những nội dung giáo dục về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương.
3. Cơ sở giáo dục chủ động vận dụng chương trình giáo dục phổ thông và nội dung giáo dục của địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.
4. Chương trình giáo dục phổ thông phải được thực nghiệm trước khi thẩm định, ban hành.
Điều 31. Sách giáo khoa phổ thông
1. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức đánh giá chất lượng giáo dục. Sách giáo khoa gồm sách in, sách chữ nổi, sách điện tử và học liệu. Nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội.
2. Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập trên cơ sở ý kiến của giáo viên, có tham khảo ý kiến học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng cấp tỉnh thẩm định và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Ảnh minh họa |
4. Sách giáo khoa và tài liệu giáo dục của địa phương phải được thực nghiệm trước khi thẩm định, ban hành.
Điều 32. Thẩm định, ban hành chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa và tài liệu giáo dục của địa phương
1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, hội đồng quốc gia thẩm sách giáo khoa; việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông; chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; quy định việc thực nghiệm một số nội dung, phương pháp giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông.
2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; ban hành chương trình giáo dục phổ thông, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục của địa phương để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.”