Văn bản này nhằm cụ thể hoá kế hoạch thực hiện phong trào thi đua do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát động trước đó tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020.
Mục tiêu của phong trào nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, chú trọng đổi mới công tác quản lý, thúc đẩy sáng tạo. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong quản lý, giảng dạy và học tập để nhân rộng, tạo chuyển biến tích cực trong từng đơn vị giáo dục.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục coi việc triển khai thực hiện Phong trào thi đua là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.
Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng trong các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục các cấp với hình thức, nội dung, tiêu chí thi đua thiết thực, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn.
Bộ cũng yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện Phong trào thi đua tại cơ sở.
Kế hoạch cũng nêu cụ thể các nội dung thi đua, tiêu chuẩn đánh giá và tổ chức thực hiện. Theo đó, mỗi năm học hoặc năm công tác, các đơn vị sẽ đề xuất tập thể, cá nhân điển hình để đề nghị Bộ trưởng xét, khen thưởng theo quy định. Bộ GD&ĐT sơ kết Phong trào thi đua vào dịp 20/11/2023, sau đó tổng kết, xét khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc trong việc thực hiện Phong trào thi đua, lồng ghép với việc tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VIII, năm 2025.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Vụ Thi đua – Khen thưởng (Bộ GD&ĐT) để được hướng dẫn và phối hợp xử lý.