Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: “Thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị thời CMCN 4.0”

Bám sát các nhiệm vụ mới

Tại Đại hội Thi đua yêu nước Bộ TT&TT lần thứ IV (2020 – 2025) diễn ra chiều 12/10 ở Hà Nội, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao những thành tích đạt được của ngành TT&TT, trong đó, các phong trào thi đua được tổ chức sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, từng bước đổi mới nội dung và hình thức.

Phó Thủ tướng lưu ý thời gian tới, phong trào thi đua của Bộ TT&TT phải sáng tạo, phong phú, hấp dẫn hơn, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, đây là cơ hội để vươn lên cạnh tranh với các quốc gia khác, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: "Ngành TT&TT phải hoạch định chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn nhân lực, tài chính trong nước và quốc tế để đảm bảo hạ tầng thông tin tiên tiến nhất, đáp ứng mọi nhu cầu của phát triển công nghiệp 4.0".
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: "Ngành TT&TT phải hoạch định chính sách phù hợp để huy động tối đa  nguồn nhân lực, tài chính trong nước và quốc tế để đảm bảo hạ tầng thông tin tiên tiến nhất, đáp ứng mọi nhu cầu của phát triển công nghiệp 4.0".

Phó Thủ tướng thường trực khẳng định, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, CNTT và truyền thông nhằm đưa kinh tế số đạt mục tiêu đề ra là chiếm 20% GDP của cả nước vào năm 2025.

Ông cũng yêu cầu Bộ TT&TT tập trung phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong bưu chính; Chuyển dịch hạ tầng viễn thông sang hạ tầng CNTT và truyền thông để thúc đẩy chuyển đổi số; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển từ chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số; Đảm bảo an toàn an ninh mạng, đặc biệt trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp và các sự kiện quan trọng của đất nước.

Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạ tầng mạng 5G, Bộ TT&TT cần sớm phê duyệt quy hoạch xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về độ an toàn và độ tin cậy để các tập đoàn CNTT toàn cầu đặt máy chủ tại Việt Nam.

Thi đua để tiến tới sự xuất sắc

Tại Đại hội lần này, nhiều thông điệp có tính “nghĩ mới, làm khác” đã được truyền cảm hứng tới từng cá nhân trong ngành.

Yêu cầu đổi mới công tác thi đua khen thưởng thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của Bộ chỉ rõ: Trước hết, việc 5 năm hãy làm 1 năm. Thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc. Yêu nước tức là góp phần mình làm cho Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045. Vì yêu nước mà phải đặt mục tiêu cao, tìm giải pháp đột phá, và vì mục tiêu cao mà phải thi đua, tạo ra các giá trị lớn lao.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Phong trào thi đua cần liên tục đổi mới, sáng tạo để khích lệ tinh thần thi đua trong tất cả cơ quan, đơn vị, nhất là trong mỗi người".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Phong trào thi đua cần liên tục đổi mới, sáng tạo để khích lệ tinh thần thi đua trong tất cả cơ quan, đơn vị, nhất là trong mỗi người".

Việc vĩ đại sẽ tạo nên người vĩ đại. Công việc hàng ngày của mỗi người chính là nền tảng thi đua. Thi đua là việc của mỗi người. Hãy giao việc lớn cho nhóm nhỏ, giao việc lớn cho mỗi cá nhân. Việc càng lớn, càng thách thức thì cơ hội xuất hiện nhân tài càng lớn.

Thi đua là để tạo ra giá trị. Thi đua phải có mục tiêu, có tiêu chí rõ ràng, tạo ra giá trị và giá trị tăng thêm.

Thi đua cũng phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch phải do từng đơn vị nhỏ, từng có nhân góp phần xây dựng nên từ chính nhiệm vụ hàng ngày. Phải tuyệt đối tránh sự chung chung, áp đặt hay cào bằng.

Việc là gốc của thi đua. Phải có việc thì mới có thi đua. Việc không đến mức phải thi đua thì sẽ không có thi đua. Lãnh đạo các cấp phải coi việc nghĩ ra việc, nghĩ ra thách thức đúng là những việc có tầm nhìn đúng, khác biệt và đột phá, tạo ra nhiều giá trị cho ngành, cho nhân dân, cho xã hội và cho đất nước, để làm tiền đề cho thi đua yêu nước.

Thi đua là để phát triển từng cá nhân. Phong trào thi đua cần liên tục đổi mới, sáng tạo để khích lệ tinh thần thi đua trong tất cả các cơ quan, đơn vị, nhất là trong mỗi người. Thi đua trước hết là vì con người, là cách tốt nhất để mỗi người hoàn thiện bản thân mình.

Thi đua là để tìm ra và nhân lên giá trị. Qua các phong trào thi đua, mỗi người, mỗi đơn vị cần phải rút ra được những bài học kinh nghiệm cho mình từ đồng nghiệp, từ đơn vị khác. Việc phổ biến kinh nghiệm và bài học, nhân rộng điển hình sẽ tạo ra giá trị cấp số nhân. Mục tiêu cuối cùng của thi đua là tạo ra giá trị cho đất nước phát triển.

Người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh chỉ có xuất sắc thì mới bứt phá vươn lên và thay đổi được thứ hạng. Bởi vậy, thi đua là để tiến tới sự xuất sắc. Và chỉ có khát vọng xuất sắc, có mục tiêu xuất sắc thì mới cần đến thi đua.

“Mỗi sáng thức dậy hãy suy nghĩ khác đi, nhìn thế giới khác đi, hãy đặt mục tiêu cao hơn năng lực của mình và sẽ tìm ra các giải pháp độc đáo. Mỗi chúng ta hãy thi đua với chính mình, tốt hơn và khác đi mỗi ngày để tạo ra giá trị cho đơn vị mình, ngành mình, đất nước mình phát triển nhanh và bền vững, để cho khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 sẽ trở thành hiện thực. Hãy làm công việc hàng ngày với một tình yêu lớn”, Bộ trưởng nhắn gửi toàn thể cán bộ công nhân viên chức, người lao động ngành TT&TT.

Làm việc bình thường với tình yêu lớn

Nhiều kiến nghị, đề xuất, bài học kinh nghiệm hay xuất phát từ thực tiễn đã được chia sẻ từ đại diện của 20 tập thể và 41 cá nhân được tôn vinh lần này.

Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và thông tin điện tử: “Hãy tìm giải pháp thay vì tìm lý do thoái thác. Chỉ cần không dừng lại thì việc tiến chậm cũng không phải là vấn đề. Thi đua là cùng tiến. Lãnh đạo đổi mới sáng tạo quyết liệt thì phong trào sẽ đi lên, hiệu quả sẽ thiết thực”.

Các đại biểu trong phần giao lưu tại đại hội.
Các đại biểu trong phần giao lưu tại đại hội.

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa lưu ý: Nếu ngày nào cũng chỉ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về cho đúng giờ hành chính, cuối năm nhìn lại kết quả chỉ là con số 1 tròn trĩnh. Tệ hơn, mỗi ngày làm việc kém đi một chút, cắt xén thời gian để lướt mạng chơi game, đọc báo, kết quả cuối năm chỉ là con số 0, sẽ nhanh chóng bị đào thải. Nhưng ngược lại, chỉ cần mỗi ngày cố gắng thêm một việc dù rất nhỏ, chỉ 1% nỗ lực, thì sau 1 năm năng lực sẽ tăng gấp 37,8 lần.

“Chúng tôi bảo nhau mỗi ngày hãy thêm một việc gì đó rất nhỏ để làm hoặc cải tiến việc đang có, ví dụ dậy sớm hơn 10 phút, đọc thêm vài trang sách, học thêm vài từ vựng ngoại ngữ, trang trí lại góc làm việc... Tích tiểu thành đại. Nỗ lực nhỏ nhoi mỗi ngày bền bỉ sẽ cho kết quả vĩ đại. Khoảng cách giữa người xuất sắc với người bình thường chỉ xuất phát từ 1% nhỏ nhoi này thôi”, ông Công Anh bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao bằng khen và quà lưu niệm cho đại diện các tập thể có thành tích xuất sắc giai đoạn 2015-2020
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao bằng khen và quà lưu niệm cho đại diện các tập thể có thành tích xuất sắc giai đoạn 2015-2020

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cũng đề cao cách nghĩ khác: Giao nhóm nhỏ làm việc lớn, giảm độ trễ, việc nhiều tháng chỉ làm trong 1 tháng... Trong thời chuyển đổi số, câu châm ngôn “Cá lớn nuốt cá bé” đã thay đổi thành “Cá nhanh sẽ nuốt cá chậm”, đó là bài học thúc đẩy tiến độ trong công việc.

Ông Lịch cũng đề cao khẩu hiệu “Làm những việc bình thường bằng lòng say mê phi thường”, bởi kinh nghiệm thực tế tại Cục An toàn thông tin, công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, nếu không có lòng say mê phi thường thì khó có thể thành công.

Bà Vũ Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính chia sẻ bí quyết thành công của những người làm bưu chính là đồng lòng vượt khó trên mọi mặt trận; tiếp tục phát huy truyền thống, phát động thi đua hành động theo những giá trị cốt lõi mới.

Tôn vinh 41 cá nhân điển hình
Tôn vinh 41 cá nhân điển hình

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT đề xuất gắn thi đua với chỉ số KPI.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông chia sẻ cách làm hay: Gắn mục tiêu cụ thể trong các phong trào thi đua, áp dụng phương pháp quản trị mục tiêu và xây dựng kế hoạch, lấy mục tiêu rõ ràng, định lượng, tường minh, gắn với các chương trình công tác. Qua đó từng cán bộ, công chức, viên chức xây dựng được mục tiêu, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của bản thân mình.

Trong khuôn khổ chương trình Đại hội còn diễn ra buổi giao lưu với các cá nhân điển hình tiên tiến khác. Họ cũng đều là những người làm những công việc bình thường với tình yêu lớn, qua đó chung sức giúp ngành TT&TT hiện thực hóa các nhiệm vụ vĩ đại.

8 nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020 - 2025

Phát động phong trào thi đua yêu nước Bộ TT&TT giai đoạn 2020 – 2025, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh các mục tiêu sau:

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: “Thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị thời CMCN 4.0”

Chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số. Xây dựng hạ tầng bưu chính để đảm bảo dòng chảy vật chất của nền kinh tế số bên cạnh dòng chảy dữ liệu.

Chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số.

Triển khai 5G, mỗi người một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang; hạ tầng điện toán đám mây (cloud); nền tảng định danh số, thanh toán điện tử; nền tảng công nghệ như dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), blockchain; nền tảng chuyển đổi số các ngành...

Đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng. Với trọng tâm là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an ninh mạng Việt Nam, đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Đảm bảo chủ quyền không gian mạng. Không gian mạng của Việt Nam là môi trường sống mới nên phải đảm bảo sạch và lành mạnh.

Chuyển đổi chính phủ điện tử thành chính phủ số. Đưa mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, sáng tạo ra nhiều dịch vụ hữu ích cho người dân, tương tác giữa chính quyền với người dân nhiều hơn.

Chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình “Make in Vietnam” có trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam thay vì gia công lắp ráp thì tập trung làm sản phẩm và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu. Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Báo chí truyền thông phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia về thông tin, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần tạo ra sự ổn định để phát triển đất nước, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá.

Chuyển đổi từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số. Dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Toàn quốc chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện. Đưa toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội lên môi trường số cũng phải đi song song với bảo vệ chủ quyền số quốc gia.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.