Bộ GD&ĐT họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

GD&TĐ - Chiều 28/6, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Bộ GD&ĐT họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Bộ GD&ĐT họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chủ trì họp báo.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 giữ ổn định về phương thức như giai đoạn 2020-2023.

Theo kế hoạch, công tác coi thi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được tổ chức vào các ngày 27, 28/6/2024.

Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan

Theo GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, năm nay có tổng số 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020, chiếm 94,66% tổng số thí sinh; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.373, chiếm 5,34%. Tổng số thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38%.

Cả nước có 2.323 Điểm thi, với tổng số 45.149 phòng thi. Các Điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) báo cáo tại buổi họp báo.

GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) báo cáo tại buổi họp báo.

Theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của Kỳ thi tại tất cả các Điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả Kỳ thi có 30 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không cán bộ nào vi phạm Quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Đánh giá sơ bộ, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các Điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng Kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực. Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.

Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các Điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi. Một số thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác thi được khắc phục kịp thời. Các hành vi vi phạm Quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của Quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của Kỳ thi.

Đông đảo các nhà báo tham dự buổi họp.

Đông đảo các nhà báo tham dự buổi họp.

Trước câu hỏi về vai trò của Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh hiện nay, GS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết: Kỳ thi được thực hiện theo Luật Giáo dục; Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo; Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình GDTX cấp THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Thống kê những năm qua, có số lượng lớn cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ xét tuyển đầu vào.

Đây là kỳ thi được đầu tư nhiều công sức, được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cách xây dựng đề thi hướng tới đánh giá năng lực người học, có độ phân hóa để các trường đại học tốp đầu cũng có thể sử dụng kết quả để xét tuyển.

Không có chuyện lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn

Tại họp báo, liên quan đến vấn đề lộ, lọt đề thi Ngữ văn mà phóng viên đề cập, ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, không có chuyện lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có thông tin với báo chí về việc này.

Ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, không có chuyện lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn.

Ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, không có chuyện lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn.

Liên quan đến công tác chấm thi, ông Nguyễn Ngọc Hà cho hay, mỗi môn thi đều có tiêu chí nhất định về giáo dục. Bên cạnh những gợi ý, hướng dẫn chấm thi thì cũng có phần mở. Nếu thí sinh trả lời đúng định hướng, có tính chất phát triển thì sẽ xem xét để "chấm mở”.

Các nhà báo đặt câu hỏi trong buổi họp.

Các nhà báo đặt câu hỏi trong buổi họp.

Trao đổi về đề thi tiếng Anh sử dụng ngữ liệu của tờ báo lớn, ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ, đối với về đề thi nói chung, nhất là môn Ngoại ngữ, việc sử dụng ngữ liệu phải tin cậy. Ngữ liệu thường sử dụng những tờ báo chuẩn chỉ về nội dung, văn phong. Vì vậy, có nguồn cơ bản là sách, tạp chí hoặc một số tờ báo lớn. Đó là việc bình thường.

"Đề thi có đổi mới, nội dung đề hay hơn, sát thực tiễn. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Cấu trúc, định dạng đề thi không thay đổi nhưng cách thức gần với việc gắn với thực tiễn, gợi mở phát triển năng lực, bước đệm, tiệm cận để học sinh làm quen với cách thức ra đề kiểm tra theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018", ông Hà cho hay.

Liên quan đến đề thi môn Lịch sử, ở mã đề 319, câu 40, nhiều giáo viên đưa ra phương án trả lời khác nhau; ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) trao đổi, Bộ sẽ tiếp nhận thông tin này. Việc trao đổi, nắm bắt sẽ được thực hiện không chỉ trong quá trình coi thi mà cả sau kỳ thi. Đây là việc cần thiết.

Trao đổi về phòng chống gian lận bằng công nghệ cao, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho hay, theo Quy chế phối hợp của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT, nhiều trường hợp đã bị xử lý vì vi phạm Quy chế thi; trong đó chủ yếu mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi.

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) trả lời họp báo.

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) trả lời họp báo.

Năm nay, Bộ Công an đã tập huấn để cán bộ làm thi nhận biết các thiết bị gian lận thi cử, nhưng chưa phát hiện thấy thí sinh gian lận thi bằng thiết bị công nghệ cao.

Về thông tin thất thiệt lộ đề thi Ngữ văn vào tối 26/6, trên cơ sở thông tin của Bộ GD&ĐT, Bộ Công an đã rà soát tìm ra đối tượng tung tin thất thiệt này. Nam sinh này đã thừa nhận mình tự dựng clip, đồng thời cam kết không tái phạm.

Thời gian tới, nếu tiếp tục phát hiện thêm thông tin, Bộ Công an sẽ điều tra, rà soát theo quy định.

Công tác truyền thông về kỳ thi chủ động, kịp thời

Phát biểu tại Họp báo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, trong 2 ngày vừa qua, bằng sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành; sự phối hợp của các cấp, ngành, công tác coi thi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế.

Một số kết quả cụ thể được Thứ trưởng nhận định như sau:

Thứ nhất, công tác coi thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Các cấp, ngành, từ Trung ương đến địa phương đều có các phương án dự phòng để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Thứ hai, thời tiết cơ bản thuận lợi trong thời gian diễn ra kỳ thi. Đến thời điểm này, theo cập nhật từ báo cáo của các địa phương, không có thí sinh nào vì cách trở giao thông, ảnh hưởng của thời tiết hay khó khăn về kinh tế mà phải bỏ thi.

Thứ ba, công tác ra đề và in sao, vận chuyển, bảo quản, sử dụng đề thi bảo mật, an toàn.

Thứ tư, cán bộ coi thi được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm. Dù số lượng nhiều hơn so với kỳ thi năm 2023, nhưng năm nay không có thầy cô nào vi phạm Quy chế thi.

Thứ năm, số thí sinh vi phạm Quy chế thi cũng giảm hẳn so với năm 2023 dù số lượng dự thi đông hơn; đặc biệt không có những vi phạm mang tính phức tạp như phát tán đề thi.

Thứ sáu, theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi bảo đảm cấu trúc, định dạng như đã công bố, nằm trong chương trình THPT, có độ phân hóa phù hợp.

Thứ bảy, việc bảo đảm an ninh, an toàn, từ in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi/bài thi; an toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng chống cháy nổ; an ninh trật tự… đều được bảo đảm.

Cuối cùng, công tác truyền thông về kỳ thi hết sức chủ động, kịp thời.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng cho biết Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, làm tốt công tác phối hợp để thực hiện tốt các công việc tiếp theo như chấm thi, công bố điểm, đối sánh điểm thi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.