Bộ GD&ĐT giải đáp một số vấn đề về chức danh nghề nghiệp giáo viên

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT giải đáp một số vấn đề liên quan đến chức danh nghề nghiệp của giáo viên theo Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Ngày 14/4/2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 (Thông tư 08) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Thông tư 08 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023. Trong quá trình triển khai có một số vắng mắc, Bộ GD&ĐT giải đáp một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này.

Vấn đề 1: Giáo viên đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên (CDNN).

Bộ GD&ĐT Giải đáp: Các quy định về tiêu chuẩn CDNN viên chức, thăng hạng CDNN viên chức các ngành/lĩnh vực thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Theo đó, việc thăng hạng CDNN từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét (khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức 2010 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP).

Việc tổ chức thăng hạng CDNN bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng CDNN theo quy định của pháp luật.

Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng CDNN giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.

Tuy nhiên, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN là có căn cứ. Bộ GDĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN.

Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng CDNN giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng CDNN trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Vấn đề 2: Một số địa phương khi bổ nhiệm, chuyển xếp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sang CDNN tương ứng vẫn yêu cầu giáo viên phải nộp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN, chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ. Điều này khiến việc bổ nhiệm, chuyển xếp CDNN còn khó khăn, chưa đồng bộ.

Bộ GD&ĐT giải đáp: Việc bổ nhiệm CDNN giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thực hiện theo quy định tại Điều 7 các Thông tư số 01,02,03/2021/TT-BGDĐT đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1, khoản 7 Điều 2, khoản 8 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Theo đó, khi thực hiện việc bổ nhiệm, chuyển xếp hạng CDNN từ quy định cũ sang hạng CDNN tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN của hạng được bổ nhiệm và các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với tiêu chuẩn về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Cần lưu ý thêm, khoản 2 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã quy định “không yêu cầu giáo viên phải cung cấp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT”.

Vấn đề 3: Việc xác định tổng thời gian giữ hạng (đủ từ 9 năm) để làm căn cứ bổ nhiệm, chuyển xếp từ CDNN giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ sang CDNN giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II mới còn chưa thực hiện thống nhất ở một số nơi. Một số địa phương yêu cầu 9 năm này phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học.

Bộ GD&ĐT giải đáp: Theo quy định sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, điều kiện để giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ được chuyển xếp sang CDNN giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II mới là có tổng thời gian giữ hạng III cũ và hạng II cũ đủ từ 9 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự).

Trong đó, Bộ GDĐT không quy định điều kiện về trình độ đào tạo là đại học đối với tổng thời gian giữ hạng này. Do đó, việc một số địa phương yêu cầu 9 năm giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học là không đúng.

Vấn đề 4: Việc xác định thời gian tương đương với thời gian giữ CDNN hạng III mới khi xét tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng CDNN từ hạng III lên hạng II cũng chưa được thực hiện thống nhất giữa các địa phương.

Bộ GD&ĐT giải đáp: Theo quy định sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, quy định thời gian giữ hạng IV cũ và III cũ được xác định tương đương với thời gian giữ hạng III mới từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của cấp học. Như vậy, khi giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đạt trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học (là trình độ đại học), thì thời gian giữ các hạng cũ trước đây (bao gồm cả các thời gian tương đương khác) được xác định là tương đương với thời gian giữ hạng III mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ