Những giải pháp này được đưa ra trong báo cáo một số vấn đề về GD&ĐT theo yêu cầu của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Nhìn nhận thực trạng giáo dục đại học Việt Nam
Những năm vừa qua, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, lực lượng giảng viên đại học ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2017, lực lượng giảng viên đại học là 72.792 giảng viên, tăng 11% so với năm 2015. Trong đó, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 15,87% (năm 2015) lên 22,68% (năm 2017).
Tự chủ đại học được từng bước đẩy mạnh. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP, đã có 23 cơ sở giáo dục đại học thí điểm thành công, có sự phát triển, lan toả, giúp toàn hệ thống giáo dục đại học chuyển biến tích cực theo hướng: nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng hoạt động, tiến tới tự chủ đại học.
Công tác kiểm định chất lượng được tăng cường. Trong 2 năm gần đây, số lượng các cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế và trong nước tăng lên đáng kể.
Vị thế các trường đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng Châu Á được nâng cao. Năm học 2017-2018, có thêm cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế khác nhau với thứ hạng cũng dần được cải thiện. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học đã nỗ lực vượt bậc để được xếp hạng quốc tế...
Bên cạnh kết quả trên, Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng còn hạn chế. Một số trường đại học sau thời gian hoạt động vẫn chưa đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng theo đề án thành lập trường dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, khó tuyển sinh, không đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng.
Khảo sát năm 2017 cho thấy, giai đoạn 2011-2015, tổng sản phẩm khoa học và công nghệ khối các trường ĐH chiếm hơn 2/3 tổng sản phẩm khoa học và công nghệ cả nước; trong 3 năm 2013-2015, các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ có 51.904 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và 11.971 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế; Riêng các trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT đã có 383 nhóm nghiên cứu hoạt động ngày càng hiệu quả và có sức lan toả trong toàn hệ thống.
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Giải pháp đầu tiên được Bộ GD&ĐT đưa ra là hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển giáo dục đại học. Theo đó, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học; trình Chính phủ ban hành Nghị định tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập… nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học.
Đồng thời, đổi mới quản trị, quản lý đào tạo theo hướng tiệm cận chuẩn quốc tế; đổi mới quản lý nhà nước theo hướng quy định hệ thống chuẩn chất lượng; quy định về trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng và chất lượng thực tế; tăng cường kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra và hoàn thiện hệ thống chế tài, xử lý vi phạm.
Giải pháp thứ 2: Cùng với việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mới, Bộ GD&ĐT triển khai các hoạt động nhằm tăng cường quản lý quy hoạch mạng lưới, gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội và làm cơ sở cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh như: Định kỳ công khai minh bạch kết quả kiểm định chất lượng trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT; rà soát các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh và yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên rà soát, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng; tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, các sản phẩm khoa học công nghệ của trường.
Đối với tuyển sinh nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường; đồng thời Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành tuyển sinh đào tạo giáo viên ở các trình độ.
Giải pháp 3: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên theo các quy chuẩn chất lượng, phù hợp với Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật Quy hoạch; xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục ĐH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035; kế hoạch và giải pháp tăng cường số lượng các trường ĐH Việt Nam có mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Giải pháp 4: Đẩy mạnh hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài; đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, tập trung vào kiểm định chương trình đào tạo.
Giải pháp 5: Tăng cường đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính giáo dục ĐH, các trường tự xác định mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo; ưu tiên đầu tư ngân sách để phát triển một số cơ sở giáo dục ĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành, vùng đặc thù để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; có cơ chế phân bổ nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả…
Giải pháp 6: Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các trường thực hiện đầu tư các yếu tố đảm bảo chất lượng, trong đó tập trung phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ; đổi mới chương trình đào tạo; nghiên cứu, đào tạo các ngành nghề và phương thức đào tạo đáp ứng mô hình tăng trưởng của nền kinh tế và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; mở rộng và tăng dần quy mô các chương trình đào tạo chất lượng cao, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế với các trường nước ngoài uy tín; đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ các trình độ đào tạo...
Cuối cùng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xây dựng lại hệ thống chế tài xử phạt nặng hơn đối với vi phạm chất lượng giáo dục đại học và xử lý nghiêm đối với vi phạm; công bố công khai kết quả kiểm định, kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để rút kinh nghiệm và phòng ngừa chung.