(GD&TĐ) - Sáng qua (5/3), với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập, cùng trao đổi các vấn đề liên quan đến văn bản Hiệp hội gửi Thủ tướng kiến nghị để các trường hoạt động tốt hơn. Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã có cuộc gặp báo giới thông tin về các vấn đề liên quan.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Hiệp hội và lãnh đạo Bộ và trực tiếp là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trao đổi hết sức thẳng thắn về nhiều nội dung, trọng tâm là 2 vấn đề lớn: Làm thế nào để các trường ngoài công lập tuyển sinh đạt chỉ tiêu và Vấn đề cơ chế, chính sách giúp các trường tháo gỡ những khó khăn đang gặp như cơ chế về đất đai, chính sách thuế, các chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hoan nghênh Hiệp hội xây dựng điểm sàn hợp lý
Báo cáo của Hiệp hội cho rằng những năm gần đây tuyển sinh của các trường ngoài công lập gặp khó khăn, đặc biệt là năm 2012 có nhiều trường tuyển sinh mức độ thấp, có nguy cơ dừng hoạt động do không có người học. Nhiều thành viên của Hiệp hội đề xuất phương án nhập kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ làm một và đề nghị Bộ tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, trên cơ sở đó các trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh. Cũng có ý kiến đề nghị bỏ điểm sàn, hoặc xây dựng điểm sàn với nhiều mức độ khác nhau ở các tốp trường khác nhau, theo từng khu vực.
Thí sinh làm thủ tục thi |
Liên quan đến các đề xuất này, quan điểm của Bộ GD&ĐT là: Trên nguyên tắc thực hiện đúng theo Luật Giáo dục Đại học, Bộ ủng hộ các trường ngoài công lập chủ động xây dựng phương án tuyển sinh riêng, có thể là: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả thi và xét tuyển.
Bộ GD&ĐT cho rằng, khi thi “3 chung” với mức điểm sàn chung, xã hội đã yên tâm về chất lượng của kỳ thi này. Nay thực hiện một phương án khác thì cần cân nhắc kỹ bởi mục đích cuối cùng vẫn là chất lượng đầu ra của các nhà trường. Nếu chất lượng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của hệ thống.
Lý giải vì sao không ghép các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một, quan điểm của Bộ GD&ĐT là: Do tính chất của 2 kỳ thi khác nhau, nếu dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH, CĐ thì sẽ không đảm bảo tính phân loại, lựa chọn được thí sinh vào học ở những ngành nghề khác nhau. Rồi tính nghiêm túc của kỳ thi, công tác chấm thi, thanh tra thi tuyển sinh ĐH, CĐ… cũng khác nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hiện nay. Vì thế cần có bước chuẩn bị và nghiên cứu thận trọng. Hiệp hội đề nghị áp dụng ngay trong năm 2013 là điều không thể thực hiện được.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, từ nay đến năm 2015 sẽ tiếp tục thực hiện kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” với những thay đổi về mặt kỹ thuật giúp cho các trường tuyển sinh thuận lợi hơn, cũng như giúp thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn. Sau năm 2015 sẽ có nhiều phương án tuyển sinh khác nhau do các chuyên gia của Bộ và các trường cùng nghiên cứu đề xuất. Dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh ĐH, CĐ là phương án Bộ đang tính tới, nhưng chưa thể áp dụng ngay lập tức. Có thể sau 2015, chất lượng GD phổ thông được nâng cao, sách giáo khoa mới thay đổi, khi đó chúng ta mới có thể áp dụng hình thức xét tuyển ở một số trường, tổ chức thi chỉ áp dụng với một số trường tốp trên.
Liên quan đến đề nghị của Hiệp hội là làm thế nào để giúp cho các trường không bế tắc trong vấn đề tuyển sinh năm nay và những năm tiếp theo, quan điểm của Bộ là không phân biệt các trường công lập và ngoài công lập để đảm bảo quyền lợi của người học sau khi tốt nghiệp. Bởi nếu để cho các trường ngoài công lập có một cơ chế tuyển sinh riêng, một điểm sàn riêng thì xã hội sẽ có sự phân biệt, sẽ rất khó khăn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm việc làm.
Nếu chúng ta dễ dãi cho các trường tuyển sinh, cho đặc thù về điểm sàn, được xét tuyển... thì chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt trong một vài năm, về lâu dài xã hội không thừa nhận, như vậy chu kỳ khó khăn sẽ lại lặp lại có khi còn trầm trọng hơn. Năm nay Bộ đang nghiên cứu xây dựng lại điểm sàn cho hợp lý, để số lượng thí sinh trên điểm sàn dồi dào hơn; mặt khác vẫn đảm bảo nguồn tuyển cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, các trường địa phương nhưng chất lượng vẫn phải đảm bảo ở ngưỡng tối thiểu. Bộ khuyến khích và hoan nghênh Hiệp hội góp ý kiến xây dựng điểm sàn cho hợp lý trong kỳ thi “3 chung”.
Trong thực tế không phải tất cả các trường ngoài công lập đều tuyển sinh khó khăn, có nhiều trường tuyển sinh tốt hơn cả các trường công lập như: Đại học kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh, Đại học Hoa Sen, Đại học Duy Tân, Đại học Thăng Long, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có Đại học Võ Trường Toản... đều đạt và vượt chỉ tiêu do họ có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, đội ngũ, từng bước xây dựng được uy tín với người học.
Bộ GD&ĐT đã chủ động tháo gỡ cho các trường ngoài công lập
Về vấn đề Nghị định 69 của Chính phủ ưu tiên chính sách thuế, giao đất đối với các hoạt động văn hóa – xã hội, trong đó có GD-ĐT. Nhưng tới nay những vấn đề về giao đất sạch, những chính sách ưu đãi về thuế, giải phóng mặt bằng cho những cơ sở GD&ĐT thì các địa phương vẫn chưa thực hiện được.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Tài chính để tập hợp báo cáo Thủ tướng về điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi thuế đối với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Đề nghị của Bộ là tất cả cơ sở giáo dục ngoài công lập đã được phép hoạt động, được phép tuyển sinh thì được hưởng chính sách ưu đãi về thuế 10%, như vậy sẽ giúp các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có thêm nguồn tài chính để hoạt động tốt hơn. Về lâu dài, chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư tín dụng, đất đai, trong Luật Giáo dục Đại học đã nói rất rõ nhằm mục tiêu phát triển lâu dài hệ thống các trường ngoài công lập.
Hiệp hội đề nghị Bộ cung cấp thông tin về chỉ tiêu đến năm 2020 chúng ta có 450SV/10.000 dân, trong đó 40% là SV các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nhưng trong chiến lược phát triển GD- ĐT đến năm 2020, 2 chỉ tiêu này không được đề cập đến.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Vừa qua, chúng ta phát triển quá nóng GD-ĐT, chạy theo quy mô, mở ồ ạt các trường ĐH, CĐ nhằm đạt được chỉ tiêu này. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ lại không theo kịp. Vì vậy theo Nghị quyết Trung ương II, chúng ta chuyển mô hình phát triển theo quy mô sang mô hình phát triển theo chiều sâu về chất lượng. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ cũng như quy hoạch lại nguồn nhân lực theo khả năng thực tế của xã hội.
Ngọc Dư