Bộ Công Thương họp khẩn làm rõ nguyên nhân xăng dầu khan hiếm

GD&TĐ - Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh đảm bảo nguồn cung xăng dầu là nhiệm vụ hàng đầu và kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung để phục vụ nền kinh tế

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Tổng cục QLTT.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Chiều 9/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp trực tiếp tại trụ sở Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) để bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trong nước.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, tình hình cung ứng tại thị trường trong nước có dấu hiệu bất ổn. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, buổi làm việc này diễn ra ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Ở thời điểm hiện tại, toàn ngành Công Thương phải xác định, đảm bảo nguồn cung xăng dầu là nhiệm vụ hàng đầu và kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung để phục vụ nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, ngay tại cuộc họp này, phải tìm làm rõ được nguyên nhân khiến nguồn cung xăng dầu khan hiếm và đề xuất được những giải pháp để giải tỏa.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022. Từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường.

Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 13/3/2022. Hiện, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch).

Theo ông Trần Duy Đông, hiện Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2/2022 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.

Lượng bán xăng dầu ra thị trường của Petrolimex trong tháng vừa qua đã tăng khoảng 30% so với các tháng thông thường. Ngoài ra, các thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng đang tích cực triển khai việc ký kết, nhập khẩu xăng dầu.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, từ ngày 28/1/2022 đến nay, lực lượng QLTT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tại một số địa phương (Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang) có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân (không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động, nguồn cung khan hiếm, giá xăng dầu liên tục tăng cao. Nguyên nhân là do các yếu tố về địa chính trị đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia sản xuất, khai thác dầu lớn ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu; nhu cầu xăng dầu phục hồi khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và các nước thay đổi phương thức ứng phó với dịch bệnh; các nước tăng các gói kích cầu làm ảnh hưởng đến lạm phát chung…

Tại Việt Nam, nguồn cung và giá cả cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường xăng dầu thế giới.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, nguồn cung xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn do những khó khăn về tài chính của nhà máy. Vì vậy, trên thị trường, có hiện tượng một số doanh nghiệp hạn chế bán hàng, một số cửa hàng ngừng bán hàng, giảm thời gian bán hàng do nguồn cung bị gián đoạn và tâm lý chờ tăng giá.

Hiện tượng này nếu không được xử lý nghiêm sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành, cung ứng xăng dầu cho thị trường, gây tổn hại cho chương trình phục hồi kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.