(GD&TĐ) - Mắc căn bệnh di truyền hiếm gặp và không thể chữa trị, vẻ ngoài bé nhỏ với giọng nói mảnh, nhẹ nhàng dễ khiến người ta hiểu nhầm Nguyễn Bích Lan là một cô gái rụt rè. Nhưng khi nghe những tâm sự, chia sẻ của Bích Lan trong Chương trình giao lưu “Hạt giống tâm hồn” tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2013 (Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội), độc giả đủ mọi lứa tuổi đã rất ấn tượng về sức mạnh vượt khó, về nghị lực và niềm lạc quan cống hiến hết mình làm người có ích cho cuộc đời của Bích Lan.
Bích Lan (áo vàng) cùng các vị khách mời |
Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 tại Hưng Hà (Thái Bình). Năm 13 tuổi, Bích Lan mắc bệnh nan y loạn dưỡng cơ, cô đã phải nghỉ học năm lớp 8. Tự học tiếng Anh, Bích Lan là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học. Năm 2010, Bích Lan nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm Triệu phú ổ chuột và trở thành hội viên Hội Nhà văn. Bích Lan đã xuất bản tự truyện Không thể gục ngã, đồng thời là dịch giả bộ tự truyện Cuộc sống không giới hạn và Đừng bao giờ gục ngã của Nick Vujicic. |
Đêm tối đến và để lại trong ta những vì sao – Bích Lan đã lấy câu nói của Victor Hugo dùng làm đề từ tự truyện “Không thể gục ngã” của mình. Chị có thể chia sẻ chị nhìn thấy những vì sao đó trong đêm tối như thế nào không?
- Đây là câu nói của đại văn hào Victor Hugo mà tôi thích nhất. Với những gì đã trải nghiệm, tôi thấy câu nói này đặc biệt đúng với tôi. Đêm tối của tôi là một trong những đêm tối nhất của số phận con người.
13 tuổi, khỏe mạnh, là học sinh chuyên văn, thích chạy nhảy… như bao bạn mới lớn. Bỗng nhiên tôi bị căn bệnh không thể đi được, và con đường đến trường, con đường đến với cuộc đời của tôi bị cắt đứt. Đi khám khắp nơi, bác sĩ nói hiện tại bệnh tôi không có thuốc chữa.
Ở tuổi 13, nếu không bị làm sao thì bạn cũng đã có lúc cảm thấy chênh vênh, vậy nên nếu chẳng may gặp biến cố, người ta sẽ bị rơi xuống vực sâu.
Nhưng trong lúc cảm thấy vô hướng nhất, tôi thầm nghĩ nếu trong đêm tối đó mà chỉ ngồi đợi thì không thể thấy được các vì sao. Và tôi bắt đầu tự học tiếng Anh, đầu tiên là học lỏm qua tiếng học bài của em. Mỗi ngày tôi tự học 6 tiếng trong vòng 6 năm, chống chọi với nhiều khó khăn, đau đớn, trễ nải của tinh thần, để vực mình lên được điểm có chút ánh sáng le lói của vì sao nào đó trong đêm tối.
Nhưng nếu chỉ tự học rồi để đấy thì không thể cứu vãn được tình thế của tôi, tôi phải dùng những kiến thức đã học vào việc gì đó có ích. Tôi bắt đầu mở lớp dạy tiếng Anh ở làng. Và đây là công việc tôi yêu thích nhất, cảm thấy mình hạnh phúc nhất. Công việc này đã mang lại cho tôi 200 học trò, đến nay có em đã tốt nghiệp ĐH ra trường.
Tôi yêu công việc này vô cùng cho đến khi sức khỏe lại đánh gục tôi, khiến tôi không thể dạy được nữa. Cô tôi đã gợi ý tôi tìm đến công việc dịch sách văn học. Và đây là vì sao tôi nhìn thấy rõ nhất trong đêm tối của cuộc đời mình.
Sân nhà Thái Học – Văn Miếu đông kín người người ngồi chăm chú nghe những chia sẻ, tâm sự của cô giáo, dịch giả Bích Lan |
Lao động nhà văn là hết sức vất vả, kể cả với người khỏe mạnh. Tại sao chị chọn công việc này?
- Tôi không bao giờ vọng tưởng một người mới học hết lớp 8 như tôi có thể dịch sách được đặt hàng bởi một nhà xuất bản. Và may mắn sao lần thử đầu tiên đã thành công. Văn học là phương thức chữa bệnh, là lẽ sống của tôi.
Nếu là lẽ sống thì không bao giờ thấy vất vả! Tôi không kêu ca phàn nàn với công việc này, mà chỉ reo lên sung sướng mỗi khi nhận được thư của độc giả khen ngợi và đồng cảm với mình. Khó khăn trong công việc ai cũng có, nhưng hạnh phúc thì lớn lao lắm.
Chị có thể chia sẻ chị tìm được nguồn sức mạnh chiến thắng tuyệt vọng, chiến thắng số phận từ đâu?
- Ở hoàn cảnh tuyệt vọng tận cùng như tôi, cần lắm những nguồn sức mạnh để vực dậy bản thân. Tôi có hai nguồn sức mạnh lớn lao, đó là tình yêu thương của gia đình, của người thân luôn quan tâm đến tôi, nâng đỡ, khích lệ tôi.
Và lớn nhất là sức mạnh bên trong mình, khát khao sống với từng giây đã sống, nuôi dưỡng ý chí, sự kiên trì, chịu khó với 6 năm tự học tiếng Anh trong căn phòng nhỏ thiếu thốn sách vở, tự tưởng tượng ra một con người ảo để nói được với mình, thực ra là tự mình nói mà thôi.
Tôi cho rằng mình đã nắm trong tay bộ chìa khóa để vượt lên số phận, đó là lòng yêu đời, sự kiên nhẫn, niềm tin rằng thách thức dù lớn đến đâu cũng không mạnh bằng sức mạnh của con người.
Niềm vui của mẹ Bích Lan khi thấy con gái đã tìm thấy niềm vui trong cuộc sống |
Là một dịch giả đọc cuốn sách từ nguyên bản và chuyển ngữ thành công bộ tự truyện “Cuộc sống không giới hạn” và “Đừng bao giờ gục ngã” của chàng trai khuyết tật nổi tiếng thế giới Nick Vujicic, chị tìm thấy điểm chung gì giữa mình và tác giả?
- Việc dịch truyện này đúng là cái duyên, nhưng có lẽ nó phải xảy ra như vậy. Tôi có cảm tưởng cuốn sách ra đời là để cho tôi dịch. Nick và tôi có nhiều điểm chung đến mức trước khi dịch tôi không thể ngờ tôi lại hiểu Nick đến vậy. Sự chông chênh, lo sợ mình là gánh nặng cho gia đình của Nick tôi hiểu hơn ai hết.
Đọc cuốn sách, tôi cảm giác cuộc đời của mình được quay chậm lại. Điều tôi chia sẻ nhất với Nick không phải là sự lo sợ, mà là việc nắm bắt cơ hội để vươn lên, vượt qua thách thức. Trước khó khăn thách thức, tôi và Nick không bao giờ sợ hãi, mà tìm cách để vượt qua nó.
Khi thành công đã có, khao khát chia sẻ cho nhiều người, Nick đi khắp thế giới để khích lệ mọi người vươn lên trong cuộc sống. Còn tôi cũng thực hiện thông điệp đó qua việc dịch cuốn sách chứa đựng sức mạnh tinh thần. Đó là điểm chung lớn nhất giữa tôi và Nick.
Nguyễn Bích Lan |
Để dịch được một tác phẩm văn học nước ngoài cần phải hiểu rõ về nền văn hóa, ngôn ngữ, tác giả... Với chị, điều này có khó khăn không?
- Tôi là dịch giả của 26 cuốn sách, chủ yếu là tác phẩm văn học, đòi hỏi kiến thức về văn hóa rất cao. Tất nhiên tôi vô cùng ước ao được đặt chân đến đất nước của tác phẩm mà tôi sắp dịch.
Nhưng chỉ ước thế thôi, chứ nếu có điều kiện thì tôi cũng không thể đủ sức khỏe để đi. Tôi yêu văn hóa Ấn Độ đến mức tôi muốn được ngửi mùi Ấn Độ - mùi cà ri trộn lẫn mùi những thứ mùi vị khác mà ngay khi bước chân xuống máy bay người ta đã ngửi thấy.
Khi tôi dịch Triệu phú khu ổ chuột, tác giả tả lăng Taj mahal rất phức tạp, tôi đã vào youtupe, ngắm lăng Taj Mahal, nghe du khách phát biểu cảm nghĩ khi thăm khu di tích… Đó chính là cách tôi đến đất nước của tác phẩm, tác giả mà tôi dịch sách.
Với những người bị đặt vào hoàn cảnh số phận, họ luôn có đức tin. Tác giả Nick Vujicic luôn tin vào Chúa Trời. Vậy đức tin của Bích Lan thì như thế nào?
- Tôi tin vào việc sống lương thiện, cố gắng hết mình, hết lòng chia sẻ, cực kỳ kiên nhẫn và luôn tiến lên phía trước. Sống không phải để tồn tại mà sống vì những điều ý nghĩa hơn.
Giữa tháng 5/2013, Nick Vujicic sẽ tới Việt Nam và có những cuộc giao lưu với học sinh, sinh viên, doanh nhân, những người có hoàn cảnh không may mắn… Bích Lan sẽ nói điều gì khi gặp Nick Vujicic?
- Mọi người nói tôi là người Việt Nam đầu tiên được ôm Nick, là người ra đón Nick ở sân bay. Thực sự có rất nhiều điều tôi muốn nói, nhưng tôi nghĩ tôi đã nói điều quan trọng nhất qua chất lượng dịch 2 cuốn sách của Nick bằng tất cả sự tâm huyết, đồng cảm, cùng tập trung với anh đưa tới bạn đọc sức mạnh mà anh muốn chia sẻ. Tôi sẽ nói anh hãy xem tình cảm độc giả Việt Nam dành cho mình, và những điều tôi muốn nói với Nick Vujicic đã nằm cả trong đó rồi.
“Khi chạm vào từng dòng chữ trong cuốn sách của Bích Lan, tôi vẫn hỏi mình tại sao cô lại có nghị lực vĩ đại như thế. Khi Bích Lan bắt đầu chạy đuổi bằng đôi chân nhảy chân sáo, có nhiều bạn trai... rồi một hôm đang đi xe đạp, tự dưng ngã xuống, không thể đứng lên được... Là một người mẹ, đọc đến đó, tôi thương vô cùng. Có thể em không đứng dậy cơ học, nhưng Lan đã đứng dậy bằng khát vọng sống, bằng nghị lực của mình” – Tiến sỹ Lê Thị Bích Hồng, Phó vụ trưởng Vụ văn hóa, Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương. “Tôi đang có cuộc sống êm đềm nhưng đã học được rất nhiều từ cuốn tự truyện và tấm gương của Bích Lan. Tôi đồng cảm quan điểm sống của Bích Lan. Từ cuốn sách tự truyện của chị, sẽ có nhiều bạn trẻ nghĩ về tinh thần không gục ngã của mình trong những lúc khó khăn” – Diễn viên Mai Thu Huyền. “Chúng tôi đánh giá tác phẩm dịch của Nguyễn Bích Lan không có sự ưu ái nào, hầu hết những người trong Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam không hề biết thân thế của dịch giả. Những tác phẩm dịch của Nguyễn Bích Lan đạt được các tiêu chuẩn về dịch thuật, xứng đáng đoạt giải thưởng”- PGS.TS Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch, Hội Nhà văn Việt Nam. |
Gia Hân ghi