Bó chân -Tập tục làm đẹp gây đau đớn

GD&TĐ - Có thời kỳ trong lịch sử Trung Hoa, quan niệm về vẻ đẹp của phụ nữ gắn liền với kích thước của đôi bàn chân.

Bàn chân biến dạng do bị bó.
Bàn chân biến dạng do bị bó.

Ai có bàn chân nhỏ được xem là quý phái, còn có chân to là người xấu xí thô kệch, khó kết hôn. Để có bàn chân đẹp, các cô gái phải trải qua tập tục bó chân gây đau đớn ngay từ khi còn nhỏ.

Biểu tượng địa vị xã hội

Tục bó chân là một truyền thống kéo dài hàng thế kỷ ở Trung Quốc liên quan đến việc làm biến dạng bàn chân của phụ nữ một cách đau đớn, bằng cách buộc chặt và làm gãy xương.

Tiến trình này bắt đầu từ thời thơ ấu, đến khi phụ nữ trưởng thành, bàn chân của họ đôi khi chỉ còn dài khoảng 7cm. Họ sẽ mất khả năng đi lại nếu không được trợ giúp, không thể lao động chân tay hoặc giao tiếp xã hội.

Nỗi đau do thủ thuật này có thể kéo dài trong nhiều năm, nếu không muốn nói là suốt đời. Bước đi khập khiễng, thân mình lắc lư nhưng đôi chân bị bó của họ được xem là hấp dẫn và ra dáng quý tộc.

Bó chân là một tập tục đặc trưng của Trung Quốc và chưa có nền văn hóa nào khác từng thực hiện điều này. Nguồn gốc của nó có từ thế kỷ thứ 10 trong thời Ngũ Đại Thập Quốc (907 - 979) ở Trung Quốc.

Theo truyền thuyết, Hoàng đế Đường Tuyên Tông đã bị mê hoặc khi xem thứ phi của mình là Yao Niang biểu diễn điệu múa lắc lư trên hoa sen. Chính từ điệu múa trên, mối liên hệ giữa hoa sen và việc bó chân được hình thành theo ý thích của đấng quân vương. Điều này giải thích vì sao bàn chân bị bó gãy xương của phụ nữ Trung Quốc lại được gọi là “bàn chân hoa sen”.

Khi kiểu “chân sen” nhỏ bé trở thành mốt, ban đầu việc bó chân hầu như chỉ được thực hiện trong giới thượng lưu. Tiến trình này gây chấn thương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của phụ nữ và không phù hợp cho những gia đình mà phụ nữ phải lao động nhọc nhằn.

Phụ nữ thuộc tầng lớp cao hơn thường có lối sống ít vận động, được nuông chiều nên họ không bị yêu cầu làm việc chân tay. Do đó, việc bó chân sẽ trở thành một biểu tượng địa vị, củng cố ý tưởng giá trị của phụ nữ nằm ở vẻ đẹp hình thể của họ. Ngoài ra, phụ nữ bó chân còn được xem là người có đức hạnh.

Trong khi đó, những phụ nữ có bàn chân bình thường, không bó bị coi là người thô kệch, phải làm việc cực nhọc, thường là ở đồng ruộng của gia đình. Theo thời gian, tục bó chân dần lan sang các tầng lớp thấp hơn. Nó phổ biến đến mức vào thế kỷ 19, gần một nửa phụ nữ Trung Quốc, trong đó hầu hết thuộc giới thượng lưu, đã theo tập tục này.

Tiến trình gây đau đớn

Một phụ nữ quý tộc với bàn chân bị bó vào khoảng năm 1900.

Một phụ nữ quý tộc với bàn chân bị bó vào khoảng năm 1900.

Việc bó chân sẽ bắt đầu trước khi bàn chân của bé gái phát triển hoàn toàn, ở độ tuổi từ bốn đến chín. Quá trình này rất thô bạo và đau đớn, đến nỗi các bà mẹ không được khuyến khích thực hiện việc bó chân cho con gái mình vì sự đau đớn của đứa bé có thể khiến bà không thể hoàn thành. Thay vào đó, một người thân là nữ khác hoặc một chuyên gia bó chân sẽ thực hiện thủ tục này.

Các bước bó chân bao gồm:

1. Làm mềm bàn chân: Quá trình này thường bắt đầu vào mùa Đông, khi bàn chân của các cô gái bị tê cứng vì lạnh. Chúng sẽ được ngâm trong hỗn hợp các loại thảo mộc và máu động vật để mềm và dẻo dai hơn.

2. Bẻ gãy các ngón chân và vòm bàn chân: Tiếp theo, các ngón chân bị bẻ cong về phía sau với lực rất mạnh và ấn vào lòng bàn chân. Sau đó, vòm bàn chân bị bẻ gãy một cách mạnh mẽ, tạo điều kiện ép mu bàn chân và gót chân vào nhau.

3. Bó: Các dải vải dài được quấn quanh bàn chân bị gãy theo hình số 8, khóa chúng thành hình dạng mong muốn. Các dây buộc sau đó được khâu lại để cô gái không thể tháo chúng ra.

4. Thắt chặt: Sau lần làm vỡ xương và buộc ban đầu, các dây buộc cần được tháo ra, làm sạch chân và sau đó bó lại. Lý tưởng nhất là việc này diễn ra hằng ngày, nhưng đối với những gia đình nghèo, thường chỉ được thực hiện hai hoặc ba lần một tuần. Mỗi lần như vậy, dây buộc sẽ được quấn chặt hơn.

Việc bó chân vô cùng đau đớn và khiến nhiều xương bị gãy, mất khả năng tuần hoàn máu và cuối cùng là bàn chân bị biến dạng vĩnh viễn.

Sau khi bó chân, phụ nữ sẽ đi một chiếc giày nhỏ gọi là giày hoa sen để làm nổi bật bàn chân nhỏ gọn của họ. Chân sen lý tưởng là “sen vàng” khoảng 7cm, tiếp theo là “sen bạc” dài 10cm, và xa hơn nữa là “sen sắt” đối với bất kỳ chân sen nào có kích thước 12cm hoặc lớn hơn.

Tục bó chân ăn sâu vào văn hóa Trung Quốc cuối cùng đã dần biến mất bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Những biến động chính trị lan rộng khắp đất nước, kéo theo đó là những thay đổi trong quan điểm xã hội về bình đẳng giới.

Các nhà hoạt động vì nữ quyền, các nhà truyền giáo phương Tây và những người ủng hộ phụ nữ bắt đầu nỗ lực xóa bỏ tục bó chân. Chính phủ Trung Quốc đã đặt tập tục này ra ngoài vòng pháp luật, cho rằng đây là một hình thức áp bức phụ nữ. Ngày nay, sự thay đổi về tiêu chuẩn sắc đẹp cũng góp phần làm cho việc bó chân hoàn toàn chấm dứt.

Tuy tục bó chân bị đặt ra ngoài vòng pháp luật vào năm 1912 nhưng nó vẫn tồn tại ở những vùng hẻo lánh thuộc nông thôn của Trung Quốc một thời gian nữa. Lần bó chân cuối cùng được báo cáo là vào năm 1957 và nơi cuối cùng sản xuất giày hoa sen, nhà máy Giày Zhiqian, đóng cửa vào năm 1999.

Theo Historydefined

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.