Bàn chân gót sen nhỏ xinh tạo ra bằng cách bẻ gập ngón chân vào lòng bàn chân và buộc chặt bằng vải từng được cho là điều kiện bắt buộc để phụ nữ thời xưa có được cuộc hôn nhân và đời sống tốt đẹp hơn, theo CNN.
"Theo quan niệm truyền thống, tục bó chân tồn tại nhằm làm hài lòng đàn ông. Bàn chân nhỏ được cho là cuốn hút hơn", Laurel Bossen, đồng tác giả cuốn sách Bound feet, Young hands, cho biết.
Nhưng nghiên cứu của Bossen chỉ ra tập tục bó chân bị hiểu sai nghiêm trọng. Những cô gái bó chân không được hưởng cuộc sống nhàn nhã mà phục vụ một mục đích kinh tế quan trọng, đặc biệt ở vùng thôn quê, nơi nhiều bé gái mới 7 tuổi đã phải dệt vải, xe sợi và làm các công việc tay chân khác.
Tục bó chân có thể tồn tại lâu đời do có lý do kinh tế rõ ràng. Đây là một cách để đảm bảo những thiếu nữ ngồi yên một chỗ và chịu làm công việc sản xuất hàng hóa nhàm chán, bình lặng như sợi dệt, vải vóc, thảm, giày và lưới đánh cá, nguồn thu thập chính của nhiều gia đình.
Tập tục bó chân chỉ mai một khi vải sản xuất hàng loạt và nhập khẩu từ nước ngoài thay thế đồ thủ công. “Bạn cần liên hệ tay với chân. Những phụ nữ bó chân làm nhiều đồ thủ công giá trị ở nhà. Hình ảnh họ được khắc họa như kiểu mẫu đem lại khoái cảm chỉ là một cách bóp méo lịch sử” - Bossen nói.
Bossen, giáo sư danh dự khoa nhân chủng học ở Đại học McGill tại Montreal, và cộng sự Hill Gates ở Đại học Central Michigan, phỏng vấn gần 1.800 phụ nữ lớn tuổi ở một số vùng nông thôn Trung Quốc, thế hệ bó chân cuối cùng, để xác định thời điểm và nguyên nhân tập tục này bắt đầu mai một.
Họ phát hiện tục bó chân kéo dài lâu nhất ở những khu vực nơi dệt vải tại nhà vẫn còn giá trị kinh tế và bắt đầu suy giảm khi vải rẻ hơn sản xuất ở nhà máy trở nên sẵn có tại các khu vực đó.
Các thiếu nữ bắt đầu học xe chỉ dệt vải từ khi mới 6 - 7 tuổi, ở cùng độ tuổi họ bị bó chân. "Mẹ tôi bó chân tôi khi tôi khoảng 10 tuổi. Ở tuổi lên 10, tôi bắt đầu dệt vải. Mỗi lần mẹ bó chân, tôi đau tới nỗi phát khóc", một phụ nữ sinh năm 1933 chia sẻ với nhóm nghiên cứu.
Bó chân bắt nguồn từ thời nhà Tống (960-1279) và lan rộng trong mọi tầng lớp từ thành thị tới nông thôn. Vào thế kỷ 19, tập tục này rất phổ biến ở Trung Quốc, sau đó suy giảm vào đầu thế kỷ 20, một phần nhờ các chiến dịch vận động của những nhà truyền sứ và cải cách.
Bossen cho biết nghiên cứu của bà đem lại bài học cho công cuộc đấu tranh hiện đại chống lại những hủ tục gây tổn hại cho phụ nữ khác như cắt âm vật (FOM).