Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, nội dung này là một trong 4 nội dung Chính phủ xin ý kiến của Quốc hội. Qua tổng hợp ý kiến thấy còn nhiều vấn đề khác nhau, mỗi ý kiến có một lý lẽ riêng, chúng tôi xin giải trình làm rõ thêm mấy vấn đề sau đây:
Vấn đề xác định hợp đồng không thời hạn đối với viên chức chỉ áp dụng từ ngày luật này có hiệu lực (nếu Quốc hội thông qua tại kỳ họp này thì luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 - PV).
Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, những công chức đã ký hợp đồng xác định không thời hạn trước đây vẫn giữ hợp đồng đó là không thời hạn, những công chức đã ký hợp đồng có thời hạn sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng có thời hạn, sẽ chuyển qua ký hợp đồng không thời hạn.
Đặc biệt, đối với công chức ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thực hiện chế độ như quy định hiện hành.
“Vấn đề liên thông và việc thực hiện này chỉ áp dụng đối với tuyển mới từ khi luật này có hiệu lực, chúng ta vẫn bảo lưu kết quả để bảo vệ quyền lợi của những người trước đây đã ký hợp đồng không thời hạn và người đã ký hợp đồng có thời hạn nhưng vẫn tiếp tục sau này được xét chuyển thành hợp đồng không thời hạn” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Ngoài nội dung nêu trên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng phát biểu làm rõ vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm đó là: Chính sách đối với người có tài năng.
Theo Bộ trưởng, hiện nay nếu đưa ra một khái niệm về vấn đề tài năng trong tổng thể chung của tất cả các ngành nghề, lĩnh vực thì rất khó. Do đó, trong phương án trình Quốc hội, Bộ trưởng làm rõ thêm hai nội dung:
Thứ nhất, trong phạm vi giới hạn của Luật này, chỉ đặt vấn đề xác định thế nào là người có tài năng trong hoạt động công vụ. Đối tượng là cán bộ, công chức. Vì vậy, giao cho Chính phủ quy định khung chính sách thu hút đối với tài năng vào làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị đã được bổ sung tại khoản 2 Điều 3; khoản 2, khoản 3 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức.
Thứ hai, có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị phải quy định rõ cơ quan và người có thẩm quyền để xác định người có tài năng trong hoạt động công vụ. Khung chính sách đó như thế nào đối với đối tượng này. Nội dung này trong dự thảo nghị định đã gửi cho các vị đại biểu Quốc hội.
“Chúng tôi đã có dự kiến quy định 2 nhóm vấn đề:
Một là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc rà soát và phát hiện người có tài năng trong phạm vi hoạt động công vụ của đơn vị mình.
Hai là khung chính sách tập trung vào 5 lĩnh vực, đó là chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quy hoạch bổ nhiệm, chế độ tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi chính sách cuối cùng, đó là vấn đề tôn vinh.
Chính phủ sẽ ban hành chính sách khung, dựa trên cơ sở chính sách khung này các địa phương và cơ quan đó sẽ sử dụng và có chính sách cụ thể của từng cá nhân tại cơ quan, đơn vị mình” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.