Bịt lỗ hổng ý thức

GD&TĐ - Cần nhắc lại rằng, cho đến thời điểm này, chúng ta phải xác định chung sống an toàn với dịch Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vài ngày trước, tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đưa ra nhận định: Có tình trạng lơ là, chểnh mảng trong giám sát, cách ly, đặc biệt là ở các khách sạn, lưu trú dân sự. Do vậy, chính quyền địa phương, đặc biệt là cơ sở cần tuân thủ chặt chẽ việc giám sát, theo dõi việc cách ly tại nhà...

Không lâu sau khi đưa ra nhận định này, đã xuất hiện ca dương tính. Đó là nam tiếp viên hàng không (bệnh nhân 1342) từ Nhật Bản nhập cảnh về Việt Nam ngày 14/11, lưu tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý tại số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh từ ngày 14 đến ngày 18/11.

Sau hai lần xét nghiệm với kết quả âm tính, tiếp viên này về cách ly tại nhà trọ ở đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình. Trong quá trình cách ly, tiếp viên này đã tiếp xúc trực tiếp với mẹ và hai người bạn, trong đó, người bạn nam làm nghề giáo viên tiếng Anh tới nhà trọ sống cùng, tối 30/11 được ghi nhận là bệnh nhân 1347 với 192 người tiếp xúc cần phải cách ly theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm.

Hiện nay, hoạt động hàng không là một trong những lĩnh vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao. Các ca bệnh phát hiện trong nước cũng chủ yếu là người nhập cảnh từ nước ngoài về. Bởi vậy mà ngay từ đầu, việc phòng, chống dịch trong lĩnh vực này luôn được quan tâm đặc biệt.

Đáng tiếc, trong bối cảnh chung đó, vẫn còn những “lỗ hổng” rất lớn: Ý thức. Và hệ quả tất yếu, như ý kiến của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trí Dũng là bệnh nhân 1342 đã buông lỏng và không chấp hành các quy định cách ly, cả tập trung và tại nhà, khiến dịch bệnh lây lan.

Ở đây chưa vội bàn đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng và rằng các quy định về phòng, chống dịch “có vấn đề” gì hay không mà điều cốt lõi cần nhắc đến đó là ý thức.

Nam tiếp viên này có nhận thức đầy đủ - thậm chí ở khía cạnh nào đó còn nhận thức cao hơn rất nhiều người về nguy cơ lây nhiễm cũng như các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Vậy nên không thể biện minh cho hành động thiếu ý thức, coi thường bản thân, coi thường cộng đồng, xã hội rằng do thế này, thế kia được.

Cũng bởi vậy, các cơ quan chức năng ngoài việc siết chặt hơn nữa các quy định về cách ly tập trung và tại nhà, cần có hình thức xử lý thích đáng chứ không chỉ đơn thuần giải quyết hậu quả. Ca bệnh này không chỉ chấm dứt “chuỗi” 4 tháng TP Hồ Chí Minh không có ca lây nhiễm, mà còn gây ảnh hưởng rất lớn tới nỗ lực, kết quả phòng chống dịch chung của cả nước.

Bởi vậy mỗi người dân phải hành động, cùng thực hiện đúng và đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch của cơ quan chức năng bởi thực tế nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh. Muốn vậy, phải bịt ngay và bịt triệt để mọi lỗ hổng trong phòng chống dịch, đặc biệt là lỗ hổng về ý thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ