UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành kế hoạch về bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục theo Thông tư số 09/2023/TT-BGDĐT ngày 18/4/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2024 và năm 2025.
Kế hoạch này nhằm tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục nhằm triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu được giao tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, kế hoạch sẽ đảm bảo số lượng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục công lập theo lộ trình; củng cố và phát triển những hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa và năng lực dạy học tiếng M’Nông, Khmer cho đội ngũ giáo viên dạy học tiếng M’Nông, Khmer trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Việc này cũng nâng cao ý thức giáo dục học sinh, cộng đồng bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết và văn hóa M’Nông, Khmer, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tính đến hết tháng 2/2024, toàn tỉnh Bình Phước có 39.211 học sinh người dân tộc thiểu số đang theo học ở các cơ sở giáo dục phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trong đó có 2.263 học sinh là người dân tộc M’Nông và 3.842 học sinh là người dân tộc Khmer.
Tổng số đăng ký học tiếng M’Nông, tiếng Khmer là 4.522 em học sinh, dự kiến mở 109 lớp; trong đó số đăng ký học tiếng M’Nông là 1.872 em học sinh, dự kiến mở 50 lớp, số đăng ký học tiếng Khmer là 2.650 em học sinh, dự kiến mở 59 lớp.
Số giáo viên đăng ký thực hiện bồi dưỡng theo Thông tư số 09/2023/TT-BGDĐT ngày 18/4/2023 là 38 người: tiếng M’Nông là 17 người; tiếng Khmer là 21 người.
Năm 2024 và 2025, mỗi trường học căn cứ vào số lượng học sinh có nhu cầu học tiếng M’Nông, Khmer chọn cử giáo viên theo danh sách đăng ký với Sở GD&ĐT, đảm bảo đủ giáo viên dạy tiếng M’Nông, Khmer trong các cơ sở giáo dục có học sinh đăng ký tham gia học đủ để mở lớp từ năm học 2024-2025 đến năm học 2026-2027.
Trong đó, sẽ ưu tiên giáo viên có nguyện vọng dạy tiếng dân tộc thiểu số và giáo viên được phân công dạy tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục.
Thời gian bồi dưỡng chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn đoạn thứ nhất, tỉnh cử 38 giáo viên đã đăng ký đi bồi dưỡng tiếng M’Nông, tiếng Khmer.
Giai đoạn thứ hai, tỉnh cử số giáo viên đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng Khmer, tiếng M’Nông tham gia chương trình bồi dưỡng được quy định tại Thông tư số 19/2013/TT-BGDĐT ngày 03/6/2013 và Thông tư số 34/2015/TT-BGDĐT ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Đối với chương trình bồi dưỡng tiếng Khmer, tiếng M’Nông, học viên học tập trung khoảng 4 tháng. Đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Khmer, tiếng M’Nông, học viên sẽ học tập trung, tổng khối lượng kiến thức tối thiểu 165 tiết.