Tại buổi lễ, Ban vận động hỗ trợ, điều phối trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận hơn 25,3 tỷ đồng; 7 laptop; 7 máy tính bàn; 373 điện thoại thông minh, máy tính bảng; 979 sim điện thoại 4G; 3.062 thiết bị hỗ trợ khác và gói cước, từ 21 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, Quỹ vì người nghèo của tỉnh trao tặng 7 tỷ đồng; Quỹ khuyến học, khuyến tài tỉnh trao tặng 10 tỷ đồng; Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng 5,5 tỷ đồng từ 1 ngày lương của cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh.
Cũng tại buổi lễ, Ban vận động đã trao tặng đợt 1 điện thoại di động thông minh cho học sinh khó khăn các huyện: Bù Đốp, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Hớn Quản và Lộc Ninh. Mỗi đơn vị 24 máy, trong đó cá nhân Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Trần tuệ Hiền trao tặng 20 máy, VNPT Bình Phước tài trợ 100 máy.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho hay đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Ngành giáo dục tỉnh Bình Phước bước vào năm học mới với nhiều khó khăn thách thức, có hàng chục ngàn học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến, phần lớn là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa.
“Sau nhiều nỗ lực của các cấp, ngành, nhân dân trong tỉnh, đến thời điểm hiện nay, số học sinh thiếu trang thiết bị học tập trực tuyến đã giảm còn hơn 15.000 em (năm học 2021 – 2022 Bình Phước có 258.982 học sinh). Ngoài ra, vẫn còn những vùng lõm chưa có sóng internet để học trực tuyến” – ông Cường nói.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục cuộc hành trình nhân ái để kết nối tri thức, kết nối yêu thương, kết nối tình đoàn kết dân tộc, xây dựng xã hội và đặc biệt là góp phần đầu tư cho thế hệ trẻ bằng những việc làm cụ thể nhất.
Để việc triển khai chương trình đạt hiệu quả tốt nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đề nghị các địa phương tăng cường vận động và triển khai hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng của địa phương mình. Mặt khác, hỗ trợ địa phương khác khó khăn hơn.
Sở Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông có giải pháp phù hợp tiếp tục hỗ trợ thiết bị học trực tuyến; hỗ trợ giá cước viễn thông, internet cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Quang - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước cho biết, toàn tỉnh hiện có 85 thôn, ấp, 118 trường học chưa có đường truyền; 644 điểm (thôn, ấp, trường học) đường truyền yếu; 31 điểm, thôn, ấp, trường học chưa có sóng 3G, 4G với khoảng 15.000 học sinh không có thiết bị học tập trực tuyến.