Thay đổi, giả mạo quyết định của UBND tỉnh
Theo kết luận điều tra của Công an thị xã Đồng Xoài (nay là TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), ngày 22/8/2013, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Công văn số 2755/UBND-VX về việc thực hiện một số nội dung về công tác đào tạo diện dự bị ĐH dân tộc và cử tuyển, giao Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước (Sở GD&ĐT) lập danh sách tham mưu UBND tỉnh ra Quyết định cho phép học sinh diện cử tuyển năm 2011, 2012 chuyển ngành, học lại chương trình Dự bị ĐH thay thế HS nghỉ học, không đi học, không đạt yêu cầu.
Thời điểm này, bị can Hoàng Ngọc Hiển là Phó phòng Giáo dục dân tộc được Sở GD&ĐT giao tham mưu cho Sở để ban hành Tờ trình số 2315/TTr-SGDĐT ngày 5/9/2013 về việc HS cử tuyển năm 2011, 2012 chuyển ngành, học lại chương trình Dự bị ĐH, thay thế HS nghỉ học, không đi học, không đạt yêu cầu và danh sách kèm theo tờ trình gồm 42 HS (đánh số thứ tự từ 1 - 42) tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định cử HS đi học cử tuyển.
Căn cứ Tờ trình số 2315/TTr-SGDĐT ngày 5/9/2013 của Sở GD&ĐT, ngày 10/9/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1669/QĐ-UBND về việc cho phép HS diện cử tuyển lưu ban, chuyển ngành học và thay thế HS không đi học, nghỉ học, học không đạt yêu cầu, kèm theo là danh sách HS cử tuyển năm 2011, 2012 được chuyển ngành, học lại Dự bị ĐH, thay thế HS nghỉ học, không đi học, không đạt yêu cầu gồm 42 HS và được đánh số thứ tự từ 1 đến 42 (có đóng dấu giáp lai của UBND tỉnh).
Khi nhận được Quyết định số 1669/QĐ-UBND và danh sách 42 HS được cử tuyển, Hoàng Ngọc Hiển có trách nhiệm phát hành Quyết định này xuống các trường ĐH, CĐ nhưng do bị can Hiển quen biết, thân thiết với ông Trần Quang Lục, phụ huynh (cha) của HS Trần Mạnh Cường và ông Nguyễn Thế Hải, bạn thân của phụ huynh HS Bùi Hoàng Diệu Ly nên bị can Hiển không thực hiện việc phát hành Quyết định số 1669/QĐ-UBND mà làm lại danh sách mới 43 HS, cụ thể: Bị can Hiển đã bỏ ra khỏi danh sách 7 HS gồm: Mã Thị Hậu; Lâm Tuấn Vy; Tống Thanh Lễ; Điểu Thị Khải; Hà Trà My; Đoàn Minh Thành; Lê Quang Thế; và thêm vào DS 8 HS gồm: Đỗ Hoàng Hải (1995); Nông Thị Thin (1994); Bùi Hoàng Diệu Ly (1995); Trần Mạnh Cường (1994); Nông Thị Bích (1995); Thạch Hoàng Vũ (1994); Phạm Hoàng Trung (1993); Ngưu Thành Trọng (1995).
|
Sau đó, ông Hiển phát hành Quyết định số 1669/QĐ-UBND và danh sách làm lại này xuống các trường ĐH, CĐ với mục đích cho HS Bùi Hoàng Diệu Ly và Trần Mạnh Cường được đi học. Điểm đáng chú ý là trong danh sách này cũng có số thứ tự từ 1 đến 42 nhưng có 2 số thứ tự là 25.
Vụ việc bại lộ nên cuối năm 2017, Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Bình Phước, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hiển về hành vi “Giả mạo trong công tác”. Tuy nhiên, ông Hiển lập luận rằng Quyết định 1669/QĐ-UBND kèm danh sách 43 học sinh do UBND tỉnh điều chỉnh, nhưng thực tế, tại UBND tỉnh chỉ lưu Quyết định 1669/QĐ-UBND ngày 10/9/2013 kèm danh sách cử tuyển là 42 học sinh và Tờ trình 2315/TTr-SGD-ĐT ngày 5/9/2013 kèm danh sách 42 HS, chứ không có Quyết định 1669/QĐ-UBND ngày 10/9/2013 gồm 43 học sinh như ông Hiển trình bày.
Trong khi đó, các trường: Cao đẳng Sư phạm Bình Phước, ĐH GTVT TPHCM, ĐH Nông Lâm TPHCM và ĐH Y Dược TPHCM lại lưu Quyết định 1669/QĐ-UBND ngày 10/9/2013 kèm danh sách 43 học sinh, không trùng khớp với bản gốc lưu tại UBND tỉnh Bình Phước.
Nhiều học sinh cử tuyển bị buộc thôi học
Chia sẻ về hậu quả của vấn đề này, TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết, theo Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Thông tư 09/2012 nếu trong quá trình học phát hiện SV giả mạo hồ sơ, giấy tờ sẽ bị buộc thôi học. Quy chế không đề cập SV đã tốt nghiệp nhưng rõ ràng khi có kết luận của cơ quan chức năng kết luận hồ sơ, giấy tờ của thí sinh là giả mạo thì hồ sơ nhập học của SV đó đã không hợp lệ ngay từ đầu, các trường ban hành quyết định hủy kết quả tuyển sinh, hủy kết quả học tập và thu hồi bằng đã cấp nếu hồ sơ giả mạo!
Tuy nhiên, TS Trần Đình Lý cũng lưu ý, ở đây cần làm rõ ai là người làm giả hồ sơ? Việc này cần có kết luận chính thức từ phía các cơ quan chức năng!
Theo thông tin chúng tôi có được, ngày 14/6/2017, Trường ĐH Y Dược TPHCM buộc thôi học 6 SV theo diện cử tuyển của tỉnh Bình Phước, theo học các ngành y học dự phòng, y học đa khoa, y học cổ truyền và dược học. Nguyên nhân: Ngay sau khi bắt đầu năm học, nhà trường tiến hành hậu kiểm tra tất cả các tỉnh, các trường hợp trúng tuyển vào nhà trường. Sau khi có nghi ngờ đây là những trường hợp không đúng theo diện cử tuyển, nhà trường đã liên hệ với tỉnh Bình Phước (nơi cử đi học) để xác minh. Qua quá trình điều tra, tỉnh Bình Phước đã có văn bản trả lời cho nhà trường được biết, hồ sơ lưu của 6 SV này tại tỉnh không trùng khớp với hồ sơ mà nhà trường có được.
Trước đó, Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng đã từng buộc thôi học đối với 1 SV cử tuyển học ngành y khoa chính quy đến từ Bình Phước. Sau khi sinh viên này bị buộc thôi học, tỉnh Bình Phước cũng đã buộc thu hồi số tiền ngân sách gần 58 triệu đồng, tiền học bổng, trợ cấp, học phí cấp cho SV người dân tộc thiểu số, đi học theo dạng cử tuyển.
Theo thông tin chúng tôi có được thời gian qua, nhiều học sinh trong danh sách cử tuyển của tỉnh Bình Phước bị nhiều trường ĐH tại TPHCM buộc thôi học do học yếu, có danh sách mà không thấy đi học, hoặc không có tên trong danh sách do hội đồng xét duyệt cử tuyển chọn... Điều này cho thấy, việc tuyển chọn diện cử tuyển ở địa phương trong thời gian qua là rất lỏng lẻo, nhiều sai phạm, gây lãng phí lớn về ngân sách và làm mất niềm tin của nhân dân về một chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước.