Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Thẳng thắn và cầu thị

GD&TĐ - Sáng 31/5, trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo, giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo, giải trình trước Quốc hội ngày 31/5
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo, giải trình trước Quốc hội ngày 31/5

Thẳng thắn, nghiêm túc nhận trách nhiệm

Giải trình về Kỳ thi THPT, Bộ trưởng cho biết: Đổi mới căn bản hình thức, phương pháp thi và kiểm tra, đánh giá kết quả GD-ĐT là một trong 9 nhóm nhiệm vụ mà Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đặt ra. Thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động, trong đó có xác định “Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và ĐH, CĐ... Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương và Nghị quyết 44 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã xây dựng lộ trình, kế hoạch đổi mới công tác thi, tuyển sinh. Phát huy kết quả đã đạt được qua 3 năm triển khai, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã được tổ chức đáp ứng về cơ bản mục đích, yêu cầu đề ra.

Tuy nhiên, kỳ thi 2018 đã để xảy ra tiêu cực, gian lận có tổ chức trong khâu chấm thi tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận, Bộ GD&ĐT xin nhận trách nhiệm: Thứ nhất, việc tổ chức xây dựng các phần mềm chấm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật, để các đối tượng xấu có thể lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Thứ hai, việc quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ ở một số khâu (nhất là khâu chấm thi) ở một số địa phương chưa chi tiết, hiệu quả chưa cao. Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT ở một số khâu tổ chức thi tại một số địa phương chưa sâu sát.

Về phía các địa phương, Bộ trưởng cho biết: Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh của một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi ở địa phương mình theo phân cấp, còn để xảy ra sai phạm. Công tác lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức thi, nhất là trong khâu chấm thi tại một số địa phương còn chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực, thậm chí suy thoái biến chất, cấu kết với nhau để cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình đã được quy định cụ thể để thực hiện hành vi gian lận nâng điểm thi cho thí sinh.

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT rà soát, đánh giá và hướng dẫn các địa phương xử lý. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, Bộ GD&ĐT phối hợp điều tra xác minh để xử lý các tiêu cực và gian lận trong thi cử tại Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang.

Do tính chất phức tạp của vụ việc nên mặc dù Bộ Công an đã rất cố gắng và khẩn trương, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cao, huy động phương tiện kỹ thuật tiên tiến và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhưng công tác điều tra vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng. “Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm minh. Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị các địa phương xem xét, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức và phụ huynh có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình. Cần cương quyết đưa ra khỏi ngành GD những cán bộ GV có sai phạm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Tích cực khắc phục tồn tại

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để khắc phục hạn chế của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT đã đề ra một số giải pháp cơ bản như: Tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi, công an các địa phương được giao nhiệm vụ cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao. Bộ cũng điều động các trường ĐH, CĐ phối hợp tổ chức thi tại địa phương theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi, nhất là các địa bàn có khả năng xảy ra tiêu cực trong thi cử.

 

Sự nghiệp đổi mới GD cần có thời gian mới thấy được kết quả rõ rệt. Đổi mới lần này rất căn bản, toàn diện - chuyển từ tiếp cập kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học. Toàn ngành phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ rất mới nên bước đầu không tránh khỏi sự lúng túng và một số sai sót. Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu để chỉ đạo quyết liệt, sớm khắc phục được các hạn chế, yếu kém của ngành, củng cố niềm tin của xã hội....

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát 24/24 giờ tại phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi. Đồng thời sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất những tác động trái phép vào bài thi.

Đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do Sở GD&ĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra. “Nhân đây, tôi cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, hỗ trợ ngành GD tổ chức kỳ thi 2019 diễn ra thành công, lấy lại niềm tin của xã hội”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Đưa ra khỏi ngành giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức

Liên quan đến một số vụ bạo lực học đường, đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi: Thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo với tính chất và mức độ phức tạp, nghiêm trọng, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

“Cá nhân tôi rất bức xúc, lo lắng và thấy rõ trách nhiệm của mình. Ngay khi xảy ra một số vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương khẩn trương kiểm tra, xử lý; trong đó yêu cầu xử lý nghiêm Ban giám hiệu, GV để xảy ra bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định, Đề án về môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Bộ cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định, Đề án này trong toàn ngành và nhiều văn bản, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bạo lực học đường.

“Tới đây, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HS, cộng đồng về xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện phòng, chống bạo lực học đường. Chúng tôi nhận trách nhiệm chính trong việc để xảy ra bạo lực học đường. Tuy nhiên, để khắc phục tối đa tình trạng bạo lực học đường, rất cần sự quan tâm của gia đình, chăm lo của toàn xã hội, các cấp, các ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ý kiến.

Về đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng cho biết: Với đội ngũ gần 1,5 triệu thầy cô, cán bộ quản lý, trong đó phần lớn các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, có một bộ phận sa sút đạo đức. “Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo. Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương không bố trí đứng lớp các GV vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Bộ đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo GV đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho SV gắn với chuẩn nghề nghiệp GV, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử sư phạm, tư vấn tâm lý học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ